Gây chiến trên mạng xã hội: Vô bổ, rách việc và phiền toái

(PLO)- Những màn đấu khẩu, bóc phốt, thách thức nhau trên mạng xã hội đã gây rối loạn không gian mạng, thu hút nhiều người quan tâm và cũng khiến nhiều người vướng lao lý.

Thời gian qua, mạng xã hội dậy sóng với những màn đấu khẩu nảy lửa. Những ồn ào này đến từ những nhân vật được xem là thần tượng, người có ảnh hưởng. Và kỳ lạ thay, những màn bóc phốt, dèm pha, xúc phạm người khác chỗ công cộng này lại nhận được sự hâm mộ của cư dân mạng; thậm chí trở thành tâm điểm của những cuộc bàn tán, thảo luận.

Khoan nói đến việc ai đúng, ai sai; chỉ nói dưới góc độ ý thức, thái độ, văn hóa ứng xử cũng như tinh thần thượng tôn pháp luật thì thấy nhiều vấn đề phải suy ngẫm.

Tố giác sai cách

Đơn thuần có thể hiểu ý muốn chủ quan của người tạo ra những màn đấu tố, bóc phốt trên mạng xã hội thời gian qua là để tố giác, phanh phui bản chất của các hiện tượng, vấn đề, vụ việc mà dư luận đang dõi theo; tố cáo, vạch trần chân tướng của những cá nhân, tổ chức mà họ đề cập trong đó.

Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, nhà nước sẽ không “nhún nhường” đối với bất kỳ ai có những hành động xem thường sự nghiêm minh của pháp luật, coi nhẹ kỷ cương, phép nước.

Tuy nhiên, việc thực hiện các mục đích này phải trong khuôn khổ pháp luật. Là một công dân, họ có thể thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo bằng đưa thông tin đến các cơ quan có thẩm quyền; rồi chờ sự phản hồi của cơ quan này theo các trình tự, thủ tục luật định.

Trong một số trường hợp, những người tham gia các vụ ồn ào trên mạng là những người nổi tiếng, những người có trình độ, những doanh nhân thành đạt, những nhà hoạt động xã hội lâu năm. Thế nhưng họ lại có hành động cho thấy họ chỉ muốn thỏa mãn cái tôi cá nhân bằng sự ăn thua, đáp trả “không trượt phát nào”.

Lẽ ra khi đã là nhân vật có sức ảnh hưởng thì họ phải ý thức chăm chút, bồi đắp và giữ mình trước công chúng. Bởi mỗi cử chỉ, thái độ, cách hành xử, phát ngôn dù bất kỳ đâu đều có thể tác động và có giá trị định hướng suy nghĩ và hành động của dư luận.

Việc ngông cuồng trong phát ngôn đã thể hiện sự tự cho mình đứng trên pháp luật, thách thức cơ quan chức năng, vi phạm thuần phong mỹ tục, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Một khi pháp luật bị phớt lờ thì ngay trong và sau những màn đấu tố, xô xát trên mạng xã hội, người đầu tiên có thể phải hứng chịu những trách nhiệm pháp lý lại chính là người khởi tạo và tham gia vào quá trình đó. Bởi, khi đã vướng vào những cuộc cãi vã thì họ luôn lao vào cuộc chiến với mong muốn phải chiến thắng; từ đó quyết tìm mọi lý lẽ, thậm chí xúc phạm người khác, nhằm chứng minh rằng suy nghĩ, hành động mình là đúng. Họ sung sướng vì được ủng hộ; còn những người có ý kiến trái chiều sẽ bị họ coi là kẻ không đội trời chung.

Nhóm các bạn trẻ đang ngồi tán gẫu ở quán cà phê nhưng bị cuốn vào thế giới ảo riêng trên từng cái điện thoại. Ảnh: KHÁNH QUỲNH

Đừng ảo tưởng sức mạnh kẻo bị pháp luật xử lý

Và như một quy luật hiển nhiên của quá trình diễn biến tâm lý trong mỗi người, trước sự “tung hô” của dân cư mạng xã hội, được xem như chất xúc tác làm gia tăng sự “phấn khích”, làm cho những người trong cuộc đánh mất sự tỉnh táo, quên mất những khuôn khổ, quy định về quyền và nghĩa vụ của một công dân, tỏ ra ảo tưởng về sức mạnh. Đặc biệt, tự cho mình những quyền lực vô hạn có thể một mình chống lại tất cả, có thể phơi bày sự thật, bảo vệ lẽ phải mà không cần phải có sự trợ giúp pháp luật, sự vào cuộc của chính quyền.

Từ đó cũng dẫn họ đến với những vi phạm về pháp luật hành chính, mắc lỗi trong thiết lập, điều hành, quản lý và sử dụng mạng xã hội được điều chỉnh trong Luật An ninh mạng; xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, các quyền tự do, dân chủ của tổ chức và công dân được pháp luật hình sự xác lập và bảo vệ… Và trên thực tế, công luận cũng chứng kiến không ít những phiên tòa “cười ra nước mắt”, chỉ vì những phút giây “ảo tưởng”, “tự sướng” trong các màn đấu tố, cãi vã mà người trong cuộc phải trả những cái giá rất đắt.

Không những thế, chính việc tạo ra những màn đấu tố để giải tỏa “bế tắc”, để tìm kiếm sự ủng hộ, khẳng định tên tuổi, “chiến tích” với cộng đồng mạng, đã vô tình kéo nhiều người đi theo vết xe đổ của họ. Hệ luỵ của nó là từ những vấn đề tưởng chừng như có thể dàn xếp, giải quyết đơn giản, êm thấm, đẹp lý tình thì lại đưa đến những vướng mắc pháp lý đối với nhiều người.

Từ những màn đấu tố, bóc phốt xảy ra trên không gian mạng vừa qua, tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật phải được thực hành sâu rộng và hiệu quả. Trong đó, mọi vấn đề liên quan đến xung đột, mâu thuẫn trong xã hội liên quan đến pháp luật, liên quan đến các quyền cơ bản của công dân cần phải được nhìn nhận, giải quyết trên cơ sở pháp lý rõ ràng, theo luật định.

Mọi tổ chức, công dân đều bình đẳng trước pháp luật, được đảm bảo đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của công dân trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật, nghiêm cấm các hành vi lợi dụng quyền của công dân để phương hại, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân;

Pháp luật là tối thượng, lan tỏa và xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật thực sự là nét văn hoá cần thiết và đặc trưng của con người mới Việt Nam XHCN, là hành trang để mạnh mẽ, tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới