Gây rối, hành hung chốn công đường - Bài 1: Đạp PV, đánh cán bộ

Ngày 22-8, TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM) mở phiên xử bị cáo Lâm Hoàng Dũng về tội cố ý gây thương tích. Theo hồ sơ, Dũng là chú họ của ông Võ Lê Tấn Cường. Tối 4-1, chó của hai nhà cắn nhau khiến Dũng và ông Cường cãi vã, xô xát. Ông Cường lấy khúc gỗ đứng trước cửa nhà Dũng, Dũng bèn chạy vào lấy kiếm ra chém ông Cường gây thương tật 13%.

Manh động

Kết thúc phiên xử, tòa phạt Dũng hai năm tù. Khi bị dẫn giải ra xe về trại, thấy một phóng viên báo điện tử VTC News đứng đối diện chụp ảnh, Dũng nổi nóng dùng chân đạp phóng viên này. Hành động bất ngờ của Dũng đã khiến các cảnh sát dẫn giải không kịp can thiệp. Ngay sau đó, phóng viên bị đạp đã báo cáo sự việc cho thẩm phán chủ tọa.

Vụ khác, ngày 15-7, TAND TP.HCM mở phiên phúc thẩm vụ bị cáo Vũ Đình Quý bị truy tố về tội cố ý gây thương tích. Khi tòa vừa bắt đầu phần thủ tục, người bị hại đứng dậy xin HĐXX cho dừng phiên tòa với lý do: “Trước khi vào phòng xử án, bị cáo đánh tôi nhưng không có ai bảo vệ. Tôi đã chạy vào báo cho thư ký biết để lập biên bản. Do bị đánh nên lỗ tai bị ù, tôi đề nghị hoãn phiên tòa để kiểm tra sức khỏe”. Sau khi vào trong hội ý, tòa đã quyết định hoãn xử theo yêu cầu của người bị hại.

Gây rối, hành hung chốn công đường - Bài 1: Đạp PV, đánh cán bộ ảnh 1

Bị cáo Lâm Hoàng Dũng, người bất ngờ dùng chân đạp phóng viên báo điện tử VTC News sau khi phiên tòa kết thúc. Ảnh: N.NGA

Nếu như trong án hình sự, việc manh động, gây rối chỉ là cá biệt thì trong án dân sự, hiện tượng này diễn biến khá phức tạp.

Cuối năm trước, tại sân TAND TP.HCM, bà Bùi Thị Lòng đã bị hành hung chảy máu mũi. Theo trình bày ban đầu của bà Lòng, người đánh bà là bà T. - người kiện bà ra tòa để đòi nợ 250 triệu đồng. Ngay khi phiên xử kết thúc, bà Lòng ra về thì bị bà T. chặn đường đánh. Hoảng sợ, bà Lòng chạy vào trong tòa cầu cứu bảo vệ, còn bà T. nhanh chóng bỏ đi.

Sau đó, bà Lòng lo sợ không dám ra về mà ở lại tòa nhờ bảo vệ báo Công an phường Bến Thành đến xử lý. Khoảng 10 phút sau, lực lượng công an phường có mặt đưa bà về trụ sở. Do vết thương chảy nhiều máu, công an đã đưa bà vào bệnh viện điều trị.

Khoảng 10 ngày sau, cũng tại TAND TP.HCM, sau khi một phiên tòa dân sự vừa kết thúc, hai cô gái trong một gia đình đã dùng nón bảo hiểm đánh nhau túi bụi. Bảo vệ tòa can ngăn nhưng hai bên vẫn tiếp tục gọi thêm “chiến hữu” đến đánh nhau. Sau đó, nhóm người này bị đưa về trụ sở công an phường và bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Đánh cả cán bộ tòa

Chiều tối 27-9, một thư ký TAND quận Tân Bình đã bị đánh bất tỉnh trên đường về nhà. Nhận tin báo, Công an quận Tân Bình đã xuống hiện trường ghi nhận vụ việc, đồng thời cử điều tra viên vào bệnh viện lấy lời khai của nạn nhân.

Bước đầu, thư ký này cho biết chiều hôm đó, ông tham gia xét xử vụ hai bị cáo Nguyễn Thái Bảo, Nguyễn Trọng Nghĩa bị truy tố về tội cướp giật tài sản. Phiên tòa thu hút rất đông bạn bè, người thân của hai bị cáo, ngồi chật kín cả phòng xử. Trong khi phiên tòa đang diễn ra, một nhóm thanh niên ngồi trong phòng xử cười nói ồn ào, thậm chí chửi thề. Vì vậy, vị thư ký tòa có lên tiếng nhắc nhở họ giữ trật tự phiên tòa và những người này có thái độ phản ứng rất khó chịu. Phiên tòa kết thúc, ông một mình chạy xe máy về thì bị đánh.

Chuyện cán bộ tòa bị hành hung không phải là hiếm. Mấy năm trước, TAND TP.HCM đã phạt Phạm Thị Nguyệt 10 tháng tù về tội chống người thi hành công vụ. Nguyệt là người được ủy quyền thay mặt nguyên đơn trong một vụ kiện đòi đất mà TAND TP xử phúc thẩm. Sáng 14-5-2008, khi chủ tọa phiên phúc thẩm đang tuyên án, Nguyệt bước lên phía trước, chỉ tay vào thẩm phán, nói: “Chú người lớn mà xử vậy sao được”. Sau khi tuyên án xong, HĐXX đi vào thì Nguyệt la lối, dùng tay đập vào bàn dành cho luật sư. Thư ký tòa ra ngoài gọi bảo vệ vào giữ gìn trật tự thì bị Nguyệt chửi tục. Vị thư ký tòa không nói gì, tiếp tục đi thì bất ngờ bị Nguyệt dùng tay kéo lại, tát thẳng vào mặt…

Phải có cơ chế bảo đảm an ninh

Việc đảm bảo an ninh cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong các phiên tòa, nhất là án phi hình sự đang là nỗi trăn trở của những người làm công tác xét xử. Không chỉ phải đối mặt những hành vi manh động diễn ra ngay chốn công đường, nhiều thẩm phán cho biết họ còn thường xuyên nhận được những cuộc gọi, tin nhắn nặc danh quấy rối, đe dọa.

Sáu năm trước, tại diễn đàn Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình từng đặt ra vấn đề bảo vệ an toàn của thẩm phán, cán bộ tòa trong các phiên tòa phi hình sự. Theo ông, tại các phiên tòa hình sự có lực lượng cảnh sát bảo vệ nên những người gây rối ít có điều kiện ra tay. Song trong phiên tòa kinh tế, dân sự... không có lực lượng này.

Từ đó đến nay, trong nhiều hội thảo, hội nghị, vấn đề này cũng được đặt ra. Nhiều ý kiến cho rằng cần nhanh chóng xây dựng cơ chế bảo vệ tại tòa theo hướng có lực lượng cảnh sát thường trực ở tất cả phiên xử để ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm an ninh phiên xử, nơi làm việc và cả trong khuôn viên tòa. Cạnh đó, nên quy định giao quyền xử lý vi phạm trong khuôn viên tòa cho chánh án, giao quyền xử lý vi phạm tại các phiên xử cho chủ tọa...

Yêu cầu cấp bách

Đây là một yêu cầu cấp bách. Các ngành tư pháp, kiểm sát, công an phải ngồi lại để đưa ra các biện pháp tối ưu đảm bảo an toàn cho cán bộ tố tụng và người tham gia tố tụng, trả lại sự tôn nghiêm cho chốn pháp đình. Chẳng hạn, tăng mức hình phạt về các hành vi gây rối trật tự, hành hung người khác, tăng mức phạt hành chính đối với hành vi thóa mạ cán bộ tố tụng và người tham gia tố tụng khác. Song song đó, có thể trang bị hệ thống máy rọi để kiểm tra đương sự, sắp xếp lại vị trí chỗ ngồi hợp lý, an toàn cho cả HĐXX, kiểm sát viên lẫn luật sư...

Luật sư NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Lập chốt công an

Cần xử lý nghiêm khắc hơn với những trường hợp này. Mặt khác, nên có một chốt công an đóng ngay tại tòa để phòng ngừa và ứng phó kịp thời khi có sự cố...

Luật gia ĐẶNG ĐÌNH THỊNH,Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tại TP.HCM

HOÀNG YẾN - NGÂN NGA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm