Hỏi:
Em mượn xe của mẹ em và điều khiển xe khi chưa có GPLX và tự gây tai nạn. Vì trời mưa và tối nên em không thấy xe máy cày dựng bên đường (xe đậu tại khu vực không có biển báo được phép đậu) nên tự đâm vào gây tai nạn cho bản thân là gãy xương đùi.
Vậy: Trong trường họp của em sẽ bị xử phạt như thế nào, và mẹ em là người cho mượn xe cũng chưa có GPLX có phải chịu trách nhiệm gì không? Em có được bồi thường từ chủ xe máy cày không?
Trả lời:
- Thứ nhất, về việc xử lý hành vi của bạn: Tại Khoản 5 Điều 21 Nghị định 46/2016 quy định: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Không có GPLX hoặc sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, GPLX bị tẩy xóa;
- Thứ hai, trách nhiệm của chủ xe: Nghị định 46/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có quy định như sau:
"Điều 30. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có GPLX nhưng đã hết hạn sử dụng).
Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông: Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này và có GPLX phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp."
- Thứ ba, về trách nhiệm bồi thiệt hại
Bộ luật dân sự 2015 quy định "Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
- Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
- Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
- Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
..."
Như vậy, nếu việc dừng đỗ của chủ xe máy cày là vi phạm pháp luật, đồng nghĩa là họ có lỗi. Theo đó, họ sẽ có một phần trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này.