Gây tai nạn rồi bỏ chạy, xử lý như thế nào?

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền vụ việc camera ghi lại một chiếc ô tô Innova màu bạc biển số 49A-11xxx đang lưu thông trên tuyến quốc lộ 1A hướng đi Biên Hòa tông vào một cụ ông đang đi xe đạp khiến cụ này bị thương nặng. Sau va chạm, người điều khiển ô tô nêu trên đã chạy xe rời khỏi hiện trường.
Cho tôi hỏi với hành vi gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn như trên thì người điều khiển xe gây tai nạn sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào?
Bạn đọc Phạm Hưng (TP.HCM).

Vụ việc gây tai nạn rồi bỏ chạy lan truyền trên mạng xã hội được camera ghi lại. (Ảnh cắt từ clip)

Luật sư Lê Dũng, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Không ai mong muốn tai nạn xảy ra nhưng một khi đã gây tai nạn thì phải dừng lại để chia sẻ cùng với nạn nhân và chịu trách nhiệm do lỗi của mình gây ra.
Người gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn sẽ phải đối mặt với ba trách nhiệm chính.
Thứ nhất, về trách nhiệm dân sự, theo khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Do đó, trong trường hợp này người gây tai nạn sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường về sức khỏe cho người bị nạn. Các chi phí bồi thường thiệt hại về sức khỏe bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại... (theo Điều 590 Bộ luật Dân sự). 
Thứ hai, về trách nhiệm hành chính, theo điểm b khoản 8 Điều 5 Nghị định 100/2019 thì người gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn sẽ bị phạt tiền 16-18 triệu đồng.
Thứ ba, ở mức độ nghiêm trọng hơn, người gây tai nạn rồi bỏ trốn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Cụ thể, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm: Làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên...
Hành vi phạm tội gây tai nạn chết người rồi bỏ trốn được xem là một tình tiết định khung tăng nặng theo điểm c khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt cho hành vi này là 3-10 năm tù.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm