TÁC NGHIỆP BÁO CHÍ TẠI TÒA - BÀI 1

Ghi âm, chụp ảnh phải có văn bản cho phép?

Theo khoản 3 Điều 8 Nghị định số 51 ngày 26-4-2002 (quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí), nhà báo được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, nội quy phiên tòa hiện hành của ngành tòa án quy định việc ghi âm, quay phim, chụp ảnh tại nơi xử án phải được sự cho phép của chủ tọa phiên tòa.

Tùy vụ án, tùy tòa

Trên thực tế, việc ghi âm, chụp ảnh của nhà báo tại phiên tòa còn tùy thuộc vào một số điều kiện: Tính chất của vụ án (án hình sự hay án khác, án nhỏ hay án lớn, án hình sự thông thường hay án xử các tội xâm phạm an ninh quốc gia), ở tòa nào…

Hiện nay, hầu như các tòa không quản chuyện ghi âm của những người theo dõi, tham gia phiên xử, trong đó có nhà báo (dù là xử loại án gì). Riêng về chuyện chụp ảnh thì có sự phân biệt như sau:

Với phiên tòa hành chính, dân sự, thương mại, lao động, hầu hết các thẩm phán chủ tọa không cho phép nhà báo tự động chụp ảnh đương sự vì tôn trọng quyền về hình ảnh của họ. Nhưng cũng có trường hợp chủ tọa yêu cầu nhà báo hỏi ý kiến đương sự, nếu đương sự đồng ý thì chủ tọa sẽ không can thiệp.

Các nhà báo đang quay phim, chụp ảnh trong phiên tòa lưu động xét xử vụ án vợ đầu độc chồng là trung tá công an. Ảnh: HTD

Với phiên tòa hình sự công khai bình thường, ở tòa án tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội… hay các tòa phúc thẩm TAND Tối cao vốn “nhẵn mặt” đội ngũ phóng viên pháp đình thì chuyện nhà báo chụp ảnh khá đơn giản. Chủ tọa thường tạo điều kiện và hầu như không can thiệp. Tuy nhiên, nếu đến theo dõi phiên tòa ở tòa án tỉnh, ngoài việc xuất trình giấy tờ, có thể nhà báo sẽ phải xin phép (miệng) thẩm phán chủ tọa.

Với phiên tòa xử những vụ án lớn mà dư luận quan tâm như vụ Năm Cam, vụ Hoàng Khương, vụ Đoàn Văn Vươn… thì việc tham gia và tác nghiệp tại phiên tòa của báo chí sẽ bị siết chặt hơn: Có vụ trước khi mở phiên xử, tòa thông báo để các báo gửi danh sách nhà báo làm thẻ tham dự phiên tòa. Nhà báo theo dõi phiên tòa có thể phải ngồi ở một khu vực nhất định, chỉ được chụp ảnh trong một khoảng thời gian nhất định theo hướng dẫn của thư ký phiên tòa. Thậm chí, có những phiên xử, nhà báo không được vào phòng xử mà ngồi ở phòng kế bên theo dõi qua màn hình tivi…

Phải được cho phép bằng văn bản

Sắp tới, hoạt động ghi âm, chụp ảnh tại phiên tòa của giới báo chí sẽ có sự thay đổi lớn nếu dự thảo Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND mà TAND Tối cao soạn thảo và đang công bố trên trang web của TAND Tối cao được thông qua.

Cụ thể, điểm e khoản 1 Điều 17 dự thảo Pháp lệnh quy định phạt cảnh cáo đối với hành vi ghi âm, ghi hình tại phiên tòa mà không được sự cho phép bằng văn bản của chánh án tòa án nơi giải quyết vụ án hoặc chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án hoặc thực hiện việc ghi âm, ghi hình không đúng theo hướng dẫn và sắp xếp vị trí của tòa án nơi giải quyết vụ án.

Khoản 2 Điều 17 quy định phạt tiền từ 50.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu người vi phạm có tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 11 Pháp lệnh (có tổ chức, tái phạm…) hoặc đã bị cảnh cáo, nhắc nhở về hành vi đó mà còn vi phạm trong cùng phiên tòa.

Ngoài ra, khoản 3 Điều 17 quy định người vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử lý bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 5 Pháp lệnh (buộc rời khỏi phòng xử án, tịch thu tang vật, phương tiện…).

Như vậy, ngoài người theo dõi phiên tòa, người tham gia tố tụng (bị cáo, người bị hại, người làm chứng, người bào chữa, nguyên đơn, bị đơn…) thì nhà báo tác nghiệp tại phiên tòa sẽ là đối tượng chịu sự điều chỉnh của các điều khoản nói trên.

Có hợp lý?

“Vô lý quá” - nhà báo Vũ Mai (Phó ban Thời sự báo điện tử VNExpress khu vực phía Nam) đã thốt lên như vậy khi nói về quy định này.

Theo nhà báo Vũ Mai, chỉ nên áp dụng quy định này đối với những phiên tòa có tính chất đặc biệt hoặc liên quan đến chính trị, an ninh quốc gia chứ không nên áp dụng trong tất cả phiên tòa. “Ghi âm, chụp ảnh là hoạt động nghiệp vụ đặc thù của báo chí. Nhà báo ghi âm, chụp ảnh cũng chỉ để thực hiện nhiệm vụ thông tin theo Luật Báo chí. Nếu quy định muốn ghi âm, chụp ảnh phiên tòa đều phải có sự cho phép bằng văn bản của chánh án hoặc chủ tọa phiên tòa thì các nhà báo chịu sao cho thấu? Chưa kể nhiều vụ án phải xử đi xử lại, nay hoãn mai xử, với yêu cầu thông tin thì các báo không thể không theo dõi, phản ánh kịp thời. Cứ mỗi lần dự tòa đều phải chờ có văn bản cho phép mới được ghi âm, chụp ảnh thì chẳng khác nào ngành tòa án đang cản trở hoạt động tác nghiệp báo chí. Phải chăng ngành tòa án cho rằng hoạt động tác nghiệp bình thường của báo chí là hành vi cản trở hoạt động tố tụng? Điều này quá vô lý vì chính hoạt động của báo chí đã và đang khiến ngành tư pháp hoàn thiện hơn” - nhà báo Vũ Mai nói.

ThS Hoàng Xuân Phương (khoa Báo chí - Truyền thông Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) nhận xét: “Quy định trên đã hành chính hóa công việc của nhà báo tại tòa, là rào cản làm nhà báo mất đi tính chủ động trong khi tác nghiệp”.

ThS Phương phân tích: Không phải lúc nào nhà báo cũng có thể dễ dàng tìm gặp chánh án hay chủ tọa phiên tòa để xin ghi âm, chụp ảnh. Nếu chánh án hoặc chủ tọa phiên tòa cứ “bận công tác”, “đi họp”, “đi vắng” hoặc chậm ra văn bản cho phép là nhà báo coi như chào thua. Trong khi đó có những phiên tòa mà các tình tiết diễn ra rất nhanh, quá trình tranh luận căng thẳng, các nhà báo sẽ không thể ghi chép kịp. Họ chỉ có thể dựa vào công cụ hỗ trợ là máy ghi âm, ghi hình để phản ánh lại chính xác các diễn biến ấy. Nếu bị hạn chế việc ghi âm, chụp ảnh khiến nhà báo phản ánh thông tin không chuẩn xác, hoạt động của ngành tòa án còn bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Hoạt động nghề nghiệp của nhà báo đã nằm trong khuôn khổ Luật Báo chí và các văn bản khác thì không nên bày ra thêm quy định mang mặng tính xin - cho như vậy” - ThS Phương khẳng định.

Không nên thay đổi

Theo tôi nên giữ cách làm hiện nay. Đối với những phiên tòa liên quan đến những tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc bí mật nhà nước… thì việc ghi âm, chụp ảnh phải có kế hoạch từ trước. Việc này tạo thêm tính trật tự, thể hiện sự phối hợp giữa các bên. Còn trong những phiên tòa bình thường, xét xử công khai thì nhà báo chỉ cần xin phép miệng với chủ tọa là được. Việc này bảo đảm sự thông thoáng cần thiết mà vẫn không gây ảnh hưởng đến hoạt động xét xử.

Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Phải hợp lý

Việc quản lý hành vi ghi âm, ghi hình tại các phiên tòa là cần thiết nhằm tránh những đối tượng lợi dụng tuyên truyền với mục đích xấu. Tuy nhiên, dự thảo pháp lệnh lại “lôi” luôn chủ thể là nhà báo vào là không hợp lý, trong khi đúng ra cần phải ưu tiên, tạo điều kiện cho nhà báo tác nghiệp.

ThS NGUYỄN THỊ PHƯỚC, Phó Trưởng khoa Báo chí Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình II

THANH TÙNG - PHAN THƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới