Ngày 5-4, giá cà phê trong nước của Việt Nam vẫn tiếp tục đà tăng, giữ mức giá cao trên 100.000 đồng/kg khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê chế biến gặp khó, phải tìm mua cà phê Brazil, Ấn Độ với giá rẻ hơn.
Giá cà phê trong nước cao hơn thế giới
Cập nhật mới nhất, sáng ngày 5-4, giá cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên có biến động tăng mạnh so với cuối ngày hôm trước. Giá cà phê nhân xô hiện dao động trong khoảng 102.300 - 103.000 đồng/kg, giá bán trung bình ở mức 102.800 đồng/kg.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng giám đốc Công ty Meet More Coffee, tính toán giá cà phê nhân trong nước vượt mức 100.000 đồng/kg, tương đương khoảng 4.200 USD/tấn. Trong khi giá cà phê xuất khẩu thế giới hiện nay chỉ ở mức 3.400 USD/tấn. Như vậy, giá cà phê nhân nội địa của Việt Nam đã cao hơn giá cà phê thế giới từ 800 - 1.000 USD/tấn.
Theo ông Luận, chỉ cần mua cà phê trong nước với giá hiện nay mà xuất khẩu là cầm chắc lỗ. Không chỉ những doanh nghiệp xuất khẩu khẩu cà phê nhân mà doanh nghiệp xuất cà phê chế biến cũng vậy. Hơn nữa, các doanh nghiệp cà phê thường ký hợp đồng mua xa, giao xa, đa phần ký với khách hàng giá thấp chỉ khoảng 60.000 đồng/kg.
“Do đó, để kịp giao hàng theo đúng hợp đồng đã ký với khách hàng, nhiều doanh nghiệp đã phải mua cà phê từ Brazil, Ấn Độ về chế biến để có nguồn nguyên liệu giá rẻ hơn so với mua cà phê trong nước. Giá cà phê của Brazil, Ấn Độ chỉ ở mức 3.400-3.500 USD/tấn rẻ hơn khoảng 1.000 USD/tấn so với cà phê Việt Nam”- ông Luận chia sẻ.
Xây chuỗi cung ứng, tăng giá trị cà phê Việt Nam
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết từ đầu năm đến nay, giá cà phê ở mức rất cao trung bình đến 3.200 USD/tấn, sản lượng xuất khẩu gần 600.000 tấn và kim ngạch 1,9 tỉ USD. So với cùng kỳ sản lượng cà phê xuất khẩu quý I-2024 chỉ tăng hơn 3% nhưng trị giá xuất khẩu tăng tới gần 55%.
Tuy nhiên, theo ông Hải, giá cà phê tăng liên tục từ đầu năm đến nay cao nhất lên đến 103.000 đồng/kg, là điều đáng mừng nhưng cũng đáng lo.
Lý do là giá cà phê tăng cao thì nông dân không bán cho doanh nghiệp xuất khẩu mà bán cho đại lý, thương lái dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng. Hiện nay, chủ yếu là hoạt động mua bán giữa các thương lái, găm hàng, giá tăng họ càng lời.
Do vậy, ông Hải cho biết hiệp hội đã có kế hoạch, cảnh báo doanh nghiệp để duy trì bảo đảm có chuỗi cung ứng. Đẩy mạnh chế biến, xây dựng thương hiệu cũng là những giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị và phát triển bền vững cà phê Việt Nam. Hiện nay Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân (chiếm khoảng 91% lượng cà phê xuất khẩu), 9% còn lại là các sản phẩm giá trị gia tăng.
Ông Lê Thành Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt phụ trách phía Nam (Bộ NN&PTNT) cũng cho biết nước ta hiện có khoảng 660.000ha đất trồng cà phê. Trong đó, cà phê đặc sản chỉ chiếm 2% diện tích, tập trung ở Lâm Đồng và cà phê hữu cơ chiếm 3% diện tích.
Vì thế, giải pháp sắp tới không chỉ là vấn đề kỹ thuật, chế biến, phát triển thị trường mà làm sao hài hòa lợi ích giữa bên sản xuất và bên xuất khẩu để thúc đẩy chuỗi giá trị cho hạt cà phê.