Giả danh thám tử, cắt ghép ảnh nhạy cảm để tống tiền

(PLO)- Kẻ lừa đảo sử dụng trí tuệ nhân tạo để cắt ghép ảnh khuôn mặt của nạn nhân vào các hình ảnh, video, clip có nội dung nhạy cảm để tống tiền.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-12, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa phát hiện thủ đoạn lừa đảo mới.

Giả danh thám tử, cắt ghép ảnh nhạy cảm để tống tiền
Kẻ lừa đảo sử dụng trí tuệ nhân tạo để cắt ghép ảnh nhạy cảm để tống tiền.

Cụ thể, có khoảng 10 nạn nhân trình báo đã bị các đối tượng sử dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo để cắt ghép ảnh khuôn mặt của mình rồi ghép vào các hình ảnh, video, clip có nội dung “nhạy cảm” rồi đe dọa tống tiền.

Qua điều tra, truy xét, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện thủ đoạn của những kẻ lừa đảo như sau.

Đầu tiên, những người này tìm kiếm thông tin, số điện thoại, hình ảnh, các mối quan hệ của nạn nhân (thường là nam giới, có điều kiện kinh tế, địa vị xã hội, trong đó có một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp) từ nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu là thông tin, hình ảnh được đăng tải trên các trang mạng xã hội, địa chỉ trang web, trang thông tin điện tử, nơi công tác, làm việc của lãnh đạo, cán bộ, doanh nhân.

cat-ghep-anh-3.jpg
Nhiều trường hợp cán bộ, doanh nhân, người dân ở tỉnh Lâm Đồng đã nhận được các tin nhắn tống tiền

Tiếp đến sử dụng phần mềm công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo cắt ghép khuôn mặt của nạn nhân rồi ghép vào các hình ảnh từ các clip trên Internet có nội dung “nhạy cảm” thể hiện việc nạn nhân đang quan hệ tình dục trong nhà nghỉ, khách sạn. Kẻ lừa đảo còn giả chụp ảnh từ clip quay được tại hiện trường bằng cách dán biểu tượng nút play vào giữa ảnh hoặc dùng điện thoại quay lại ảnh đã cắt ghép.

Sau đó những người này sử dụng SIM rác, dịch vụ gọi điện thoại qua Internet hoặc thông qua email, tin nhắn SMS, imessage, zalo…, thậm chí dịch vụ bưu chính để gọi điện, nhắn tin, gửi thư liên hệ với nội dung tự xưng là “thám tử tư, được người khác ủy thác điều tra, sau một thời gian bí mật theo dõi, phát hiện nạn nhân có những hành vi sa đọa, có mối quan hệ bất chính, ngoài luồng nên đã dùng thiết bị ghi hình bí mật để quay phim, chụp ảnh lại” kèm hình ảnh nhạy cảm đã được cắt ghép, chỉnh sửa cho nạn nhân.

Cuối cùng, ‘thám tử tư dỏm” yêu cầu chuyển vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng hoặc ví tiền ảo (USDT) để chuộc lại các clip, hình ảnh này.

Ngoài ra, những người lừa đảo còn cam đoan, sau khi nhận được tiền sẽ đưa hết toàn bộ chứng cứ, hình ảnh cho nạn nhân và tuyệt đối giữ bí mật. Nếu nạn nhân không chịu giao tiền sẽ chuyển tất cả các ảnh và clip đã thu thập được lên các trang mạng xã hội, các website lớn; dán hình ảnh xung quanh nơi nạn nhân ở và làm việc, đồng thời tố cáo tới gia đình, cấp trên và cơ quan liên quan để cho nạn nhân “thân bại danh liệt”.

Tại địa bàn Lâm Đồng, hiện tại ghi nhận nhiều trường hợp cán bộ, doanh nhân, người dân đã nhận được các tin nhắn, thư điện tử như trên, có những trường hợp đã chuyển tiền cho đối tượng.

cat-ghep-anh-1.jpg
Nội dung một tin nhắn kèm hình ảnh tống tiền.

Hiện tại Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đang khẩn trương điều tra, truy xét, làm rõ hành vi của các đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; bước đầu qua xác minh cho thấy nhóm tội phạm trên đều ở nước ngoài.

Cơ quan này cũng khuyến cáo người dân phải tự bảo mật thông tin cá nhân, không chia sẻ thông tin (số điện thoại, nghề nghiệp, địa chỉ nhà ở, nơi làm việc….), hình ảnh cá nhân, hình ảnh người thân trong gia đình, hình ảnh cơ quan nơi làm việc lên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là những hình ảnh nhạy cảm hoặc có thể bị lợi dụng để cắt ghép.

Đồng thời, kiểm tra kỹ nguồn gốc thông tin trước khi chia sẻ hoặc tương tác; không truy cập vào các đường dẫn “lạ” (thường được gửi kèm trong tin nhắn hoặc email) và luôn cẩn trọng khi tiếp nhận các cuộc gọi, tin nhắn từ những nguồn không rõ ràng.

Công an Lâm Đồng cũng đề nghị người dân triển khai các biện pháp, giải pháp phòng, chống mã độc (cài đặt phần mềm diệt virus có bản quyền); sử dụng các phần mềm phòng, chống mã độc để kiểm tra các tệp tin/đường link nhận từ người lạ qua thư điện tử gmail trước khi mở, kích hoạt các tệp tin đính kèm.

Đặc biệt, cần bình tĩnh, tỉnh táo, không hoang mang, hoảng sợ khi nhận được tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi đe dọa như trên.

Tuyệt đối không chuyển tiền, không làm theo hướng dẫn của các đối tượng xấu để tránh bị chiếm đoạt tài sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm