Giá đất đường Nguyễn Huệ chỉ... 162 triệu đồng/m2

Đó là một trong những bất cập mà Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đưa ra trong văn bản kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đề xuất sửa đổi một số điều trong Luật Đất đai 2013.

Theo HoREA, việc tính giá đất đều do Chính phủ ban hành và không phù hợp với tình hình thực tiễn ở các địa phương, đặc biệt tại TP.HCM, Hà Nội.

Tại Điều 18 Luật Đất đai quy định "Nhà nước ban hành khung giá đất, bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể". Điều 113 Luật Đất đai quy định "Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ năm năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng.

Điều 114 Luật Đất đai quy định căn cứ khung giá đất, cấp tỉnh ban hành bảng giá đất định kỳ năm năm một lần… Các quy định này không phù hợp với nguyên tắc đã được quy định tại Điều 112 Luật Đất đai 2013: "Giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường".

Căn cứ các quy định nêu trên, UBND TP đã ban hành bảng giá đất, trong đó giá đất cao nhất thuộc về các đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1) sau khi đã vận dụng tột khung thì chỉ có giá 162-194,4 triệu đồng/m2. (Trong khi đó, giá đất thị trường khu vực này dao động khoảng 1,2-1,3 tỉ đồng/m2).

Như vậy, bảng giá đất của TP được xác lập theo cơ chế này thì giá đất của vị trí có giá cao nhất (Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ) và các vị trí có giá đất thấp nhất trong hẻm sâu cũng đều không phù hợp với nguyên tắc "giá đất phổ biến trên thị trường".

HoREA nhấn mạnh: “Nhìn chung thì bảng giá đất TP cũng chỉ tương đương khoảng 30%-40% giá đất thực tế trên thị trường, đã cho thấy sự bất cập của chế định Chính phủ ban hành khung giá đất, cần phải được xem xét sửa đổi cho phù hợp”.

Do vậy, HoREA kiến nghị Chính phủ không ban hành khung giá đất, mà giao toàn quyền cho cấp tỉnh chịu trách nhiệm và quyết định ban hành bảng giá đất.

Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị “Về lâu dài đề nghị nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất. Như vậy, vừa minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế "xin-cho". Hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn mà duy trì nguồn thu bền vững, lâu dài cho Nhà nước”.

Việc áp dụng thuế sử dụng đất sẽ giúp cho doanh nghiệp và người tiêu dùng không phải chịu gánh nặng tiền sử dụng đất như hiện nay; doanh nghiệp có thể tiên lượng chi phí tạo lập quỹ đất khi đầu tư dự án; Nhà nước có nguồn thu thuế sử dụng đất ổn định, lâu dài.

Đồng thời HoREA cũng đề nghị bỏ quy định "Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ năm năm một lần" và sửa đổi Luật Đất đai theo hướng giao trách nhiệm và toàn quyền cho cấp tỉnh ban hành bảng giá đất để phù hợp với thực tế tình hình của địa phương.

Vấn đề cần giải quyết cấp bách là phải cải cách triệt để quy trình, thủ tục hành chính để việc xác định tiền sử dụng đất của doanh nghiệp được thực hiện minh bạch, nhanh chóng, hợp lý và loại trừ được các yếu tố phát sinh tiêu cực.

Mặc dù theo quy định của Chính phủ, thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai chỉ còn 5-30 ngày nhưng thực tế doanh nghiệp mất trung bình 1-3 năm để hoàn thiện quy trình lập và thẩm định phương án giá đất dự án. Điều này làm lỡ cơ hội đầu tư, kinh doanh, góp phần làm tăng giá thành nhà ở.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm