Giá đất nông nghiệp mặt tiền giao dịch gần 50 triệu, khi bồi thường chưa tới 4 triệu đồng

(PLO)- Theo UBND huyện Củ Chi, giá bồi thường thấp nên rất khó vận động người dân bàn giao mặt bằng thực hiện dự án

Ngày 20-9, Ban Đô thị, HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát việc thực hiện công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án đã có Nghị quyết của HĐND TP tại huyện Củ Chi.

Đoàn đại biểu HĐND TP thực địa tại dự án mở rộng khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi trưa 20-9. Ảnh: VIỆT HOA

Theo báo cáo của UBND huyện Củ Chi, toàn huyện có 95 dự án đã được HĐND TP có nghị quyết thông qua. Trong đó, có 56 dự án thu hồi đất, dự án thu hồi đất có đất lúa dưới 10ha là 32 và trên 10 ha là bảy dự án.

Các dự án nêu trên đa phần đều được HĐND TP thông qua từ 9,10 năm nay. Tuy nhiên, đến nay số lượng dự án đã hoàn thành rất khiêm tốn, chỉ đạt 30/95 dự án (chiếm tỉ lệ 31%), 39 dự án đang triển khai (41%), đề xuất huỷ bỏ là 22 dự án (trong đó có hai dự án đã được HĐND chấp thuận huỷ bỏ).

Ông Nguyễn Văn Vững, Phó Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi. Ảnh: VIỆT HOA

Về nguyên nhân chậm triển khai thực hiện theo ông Nguyễn Văn Vững, Phó Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi, chủ yếu là do vướng ở khâu bồi thường, tái định cư.

Ông Vững cho biết, hiện nay huyện Củ Chi không có dự án tái định cư nên rất khó để vận động người dân, theo quy định, phải có khu tái định cư trước khi thực hiện dự án.

Thêm vào đó, giá đất để bồi thường cho người dân khu thu hồi đất hiện nay rất thấp nên tỉ lệ người dân đồng thuận là rất ít. Ông Vững nêu một ví dụ tại dự án mở rộng đường Tỉnh lộ 8.

"Giá đất nông nghiệp người dân chuyển nhượng ngay mặt tiền đường là khoảng 40-50 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, giá bồi thường khi áp dụng theo Quyết định 28/2022 về hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường chỉ khoảng 3,5 triệu đồng/m2 nên rất khó vận động người dân bàn giao mặt bằng" - ông Vững nói.

Ông Vững cho hay hiện nay việc thu thập giá đất dựa trên ba hợp đồng giao dịch thành công tại một vị trí đất thường không chính xác.

Nguyên nhân là do người dân khi chuyển nhượng thì giá cao nhưng ghi trên hợp đồng là giá rất thấp để né thuế. Vì vậy, khi xác định giá đất để bồi thường căn cứ theo các quy định pháp luật hiện hành là chênh lệch rất lớn đối với giá đất chuyển nhượng thực tế.

Mặt khác, Quyết định 28 của UBND vừa ban hành quy định hệ số điều chỉnh giá đất để bồi thường đất ở tại huyện Củ Chi tăng lên 2 lần (từ 13 lên 15 lần). Trong khi đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư trước đây hệ số K là 25, ngoài khu dân cư là 15 thì nay đều ở mức 15 lần so với bảng giá đất. Điều này dẫn đến giá bồi thường đất nông nghiệp thấp hơn trước đây.

"Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến chậm triển khai các dự án" - ông Vững nói.

Ông Vững cho biết vì chậm thực hiện nên các dự đã đội vốn lên rất nhiều so với thời điểm phê duyệt dự án. Chẳng hạn như dự án Cây xanh cách ly năm 2015 khi phê duyệt dự án thì tổng mức đầu tư là 596 tỉ đồng nhưng đến nay đã tăng lên đến hơn 2.500 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới