Giá dầu thế giới liên tiếp hạ nhiệt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
 Video: Giá dầu thế giới liên tiếp hạ nhiệt

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa tuần trước, giá dầu WTI trên sở NYMEX giảm 5,5% xuống còn 109,33 USD/thùng và giá dầu Brent trên sở ICE giảm 4,6% xuống còn 112,67 USD/thùng.

Tính đến 19 giờ hôm nay (14-3), giá dầu WTI giảm tiếp 4,5% xuống còn 104,3 USD/thùng, giá dầu Brent giảm 3,7% xuống còn 108,4 USD/thùng so với phiên cuối tuần.

Giá dầu thô hiện đã giảm khá nhiều so với mức đỉnh gần 140 USD/thùng của giá dầu Brent từ ngày 7-3, chủ yếu do các thông tin xoay quanh khu vực biển Đen không còn mới và không gây thêm nhiều bất ngờ đối với thị trường.

Theo các thông tin mới nhất, Mỹ đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nhằm bù đắp nguồn cung 7 triệu thùng dầu/ngày của Nga, tương đương 7% tổng cung toàn thế giới.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc thường trực MXV dẫn số liệu từ hãng dịch vụ Dầu khi Baker Hughes cho thấy, số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ đã tăng mạnh 13 giàn lên 663 giàn đang hoạt động trong tuần trước.

Bên cạnh đó, hãng tin Reuters cho biết Nga vẫn đang tiếp tục đưa khí đốt vào Đức thông qua đường ống Nord Stream 1 với mức độ không thay đổi so với giai đoạn trước xung đột Nga – Ukraina. Điều này cũng phần nào giúp thị trường bớt hoang mang và khiến giá dầu giảm lại trong tuần trước.

Người dân sắp đón đợt biến động giá hàng hóa mới tác động từ giá xăng dầu. Ảnh: PHI HÙNG

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm tin tức hàng hóa Việt Nam, đánh giá, mặc dù giá đã giảm lại nhưng giá dầu vẫn đang có những diễn biến rất thất thường, với các phiên tăng – giảm xen kẽ và biên độ dao động rất lớn trong mỗi phiên giao dịch.

Hiện tượng này có ý nghĩa rằng các thông tin đang bão hòa vào giá và thị trường cần có các thông tin mới để xác định rõ xu hướng tăng hay giảm.

Trong tuần này sẽ có 3 báo cáo quan trọng có thể tạo ra đột phá trên thị trường: Báo cáo Thị trường dầu hàng tháng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Báo cáo Dầu thế giới hàng tháng của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) và đặc biệt là Biên bản cuộc họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED).

“Nếu như hai báo cáo đầu tiên sẽ mang đến các số liệu liên quan đến sản lượng khai thác của nhóm OPEC cũng như triển vọng cán cân cung – cầu dầu thế giới trong năm 2022, thì biên bản họp của FED được kỳ vọng sẽ là thời điểm FED tăng lãi suất lần đầu tiên trong lộ trình tăng lãi suất ít nhất 3 lần trong năm 2022.

Đây là một trong những biện pháp Mỹ buộc phải sử dụng để kiềm chế lạm phát, sau khi chỉ số CPI tháng 2 có mức tăng lớn nhất kể từ năm 1982. Không chỉ dầu thô, các mặt hàng khác như nông sản, kim loại cũng đều tăng phi mã từ đầu năm, sẽ đặt nền kinh tế toàn cầu vào nguy cơ “siêu lạm phát”, thậm chí đảo ngược nỗ lực hồi phục sau đại dịch COVID-19”- ông Quang Anh phân tích.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, tính từ đầu năm đến kỳ điều chỉnh giá ngày 11-3, giá xăng dầu trong nước tăng rất mạnh, tiến sát mốc 30.000 đồng/lít.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc thường trực MXV cho rằng, xét về lý thuyết, đối với việc giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, thực tế một số doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ nhu cầu tăng và cả kỳ vọng sản lượng xăng dầu hồi phục. Chẳng hạn như các doanh nghiệp lọc hóa dầu, khai thác dầu thô, xăng dầu,…

Tuy nhiên, hệ lụy đối với nền kinh tế lớn hơn nhiều so với lợi ích của một nhóm nhỏ. “Giá xăng dầu tăng thực tế đã khiến chi phí vận tải tăng mạnh. Mới đây, một ứng dụng gọi xe công nghệ chiếm thị phần lớn đã thông báo tăng giá cước vận tải, được cho là động thái kéo theo một loạt các hãng taxi, xe công nghệ khác cũng tăng giá theo.

Do giá dầu là nguyên liệu đầu vào của mọi nền kinh tế, nên khi giá dầu tăng sẽ khiến tất cả các loại hàng hóa nguyên liệu, tiêu dùng tăng theo. Đà tăng này tạo áp lực lạm phát lên nền kinh tế vốn đang mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19”- ông Quỳnh nói.

Theo quy định, giá xăng dầu trong nước sẽ được điều hành vào ngày 1,11,21 hàng tháng. Kì điều hành gần nhất vào ngày 11-3, giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh lên tới gần 3.000 đồng đến gần 4.000 đồng/lít/kg, tùy loại. Như vậy, nếu không có gì thay đổi, giá xăng dầu trong nước phải đợi đến ngày 21-3 mới được điều chỉnh. 

Giảm thiệt hại từ cú sốc giá xăng
Giảm thiệt hại từ cú sốc giá xăng
(PLO)- Ngân sách và nhiều công ty hưởng lợi từ việc giá xăng tăng mạnh nhưng đại bộ phận người dân và doanh nghiệp lại chịu ảnh hưởng nặng do chi phí đẩy từ xăng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm