Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết, heo hơi ở một số tỉnh phía Bắc có thể trên 65.000 đồng/kg nhưng hiện nay khu vực Đồng Nai, một số công ty chăn nuôi lớn tiếp tục đưa ra chương trình khuyến mãi 1.500 đồng/kg.
Heo hơi vẫn ở mức giá 61.000 đồng/kg, các thương lái thu tại trại của người nông dân 60.000 đồng/kg.
“Mặc dù mức giá heo hơi như trên giúp người chăn nuôi đủ trang trải chi phí, một số người có lợi nhuận nhưng thời gian qua người chăn nuôi sợ tái đàn vì không biết mức giá này có lâu dài không. Song song đó, dịch tả heo Châu Phi vẫn còn rủi ro cao”- ông Đoán nói.
Thịt heo về các chợ đầu mối vẫn nhiều, giá không biến động. Ảnh: TÚ UYÊN |
Theo các doanh nghiệp chăn nuôi hiện nay giá heo hơi Việt Nam đang cao hơn Campuchia, Thái Lan 5.000-7.000 đồng/kg, cao hơn heo hơi Trung Quốc 10.000-15.000 đồng/kg.
Do đó, người chăn nuôi rất mong muốn cơ quan chức năng kiểm soát chặt để heo hơi từ các nước không nhập lậu vào Việt Nam. Song song đó, nâng cao hàng rào kỹ thuật để hạn chế tình trạng nhập khẩu nhiều phụ phẩm giá rẻ sẽ khiến nông dân càng khó khăn hơn.
T.S Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, hiện nay giá heo hơi Việt Nam đang cao nhất trong khu vực.
Mặc dù nguồn cung nguồn cung thịt heo trong nước dồi dào, qua thông tin của hiệp hội cho thấy hiện nay giá heo hơi của một số nước xung quanh như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia đang có giá trên dưới 50.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá heo hơi Việt Nam.
Vì vậy, có tình trạng heo từ các nước này đi theo đường tiểu ngạch sang Việt Nam. Do đó, vài ngày nay tại một số tỉnh phía Bắc giá heo hơi có xu hướng giảm.
Theo ông Đạt, Bộ NN&PTN đã có công văn gửi Bộ Công an, Cục Thú y đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn tình trạng này.
“Do ảnh hưởng dịch bệnh hai năm qua bà con chăn nuôi đã lỗ nhiều, thậm chí nhiều hộ phá sản. Gần một tháng nay chăn nuôi heo mới có hiệu quả trở lại, giá heo hơi vừa nhích lên để bà con đảm bảo trang trải chi phí thì bị ảnh hưởng bởi heo tiểu ngạch sang.
Điều này vừa tiềm ẩn rủi ro dịch bệnh cũng như ảnh hưởng đến người chăn nuôi trong nước. Hiệp hội mong cơ quan quản lý cần quyết liệt ngăn chặn để bảo vệ sản xuất trong nước” - ông Đạt nói.