Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết giá các mặt hàng thực phẩm như ngũ cốc và dầu thực vật trên toàn cầu đã tăng cao kỷ lục vào năm 2022, ngay cả khi có giai đoạn giảm trong 9 tháng liên tiếp, theo hãng tin AP.
|
Trẻ em gần một khu di dời ở thị trấn Dollow, Somalia - một trong những quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực. Ảnh: AP |
Chỉ số giá lương thực của FAO (chỉ số tính hàng tháng về giá của các mặt hàng lương thực được mua bán phổ biến) đã giảm 1,9% trong tháng 12 so với một tháng trước đó. Trong cả năm 2022, chỉ số này đạt trung bình 143,7 điểm, cao hơn 14% so với mức trung bình năm 2021.
Theo FAO, chỉ số giá lương thực năm 2022 là chỉ số cao nhất kể từ khi nó được bắt đầu đo lường vào năm 1961.
Xung đột giữa Nga và Ukraine đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực. Hai nước này là những nhà cung cấp quan trọng về lúa mì, lúa mạch, dầu hướng dương và các sản phẩm khác, đặc biệt là cho các quốc gia ở một số vùng của châu Phi, Trung Đông và châu Á - vốn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực.
Việc nguồn cung quan trọng ở Biển Đen bị gián đoạn, giá lương thực tăng lên mức cao kỷ lục đã làm gia tăng lạm phát, nghèo đói và mất an ninh lương thực ở các quốc gia đang phát triển phụ thuộc vào nhập khẩu.
Xung đột cũng làm rung chuyển thị trường năng lượng và nguồn cung cấp phân bón, vốn quan trọng đối với sản xuất lương thực.
FAO cho biết giá lúa mì và ngô đã tăng cao kỷ lục vào năm 2022, mặc dù chúng đã giảm trong tháng 12 cùng với giá của các loại ngũ cốc khác. Theo tổ chức này, chỉ số giá dầu thực vật đã đạt mức cao nhất mọi thời đại trong năm 2022, chỉ số giá sữa và chỉ số giá thịt cũng cao nhất kể từ năm 1990.