Giá một quả trứng gà bị đẩy lên gấp 2-3 lần

Thực tế này đã được các chuyên gia kinh tế nhắc lại tại Hội thảo diễn biến thị trường giá cả ở Việt Nam năm 2016 và dự báo 2017 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 29-12 ở Hà Nội.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết, một quả trứng gà mua ở Vĩnh Phúc chỉ 2.000 đồng nhưng về đến siêu thị Hà Nội có giá lên đến 4.300-4.700 đồng. “Điều vô lý này vẫn tồn tại nhiều năm nay chưa được giải quyết, bởi một quả trứng đã qua 2-3 tay nhà buôn”- Ông Phú dẫn chứng và đánh giá trên thị trường, các hàng hóa khác cũng bị tình trạng tương tự.

Chẳng hạn như tại Đồng Tháp, một kg chanh quả bán tại gốc có giá 200-300 đồng/kg nhưng khi ra Hà Nội và một số tỉnh khác bị đẩy lên 20.000 -30.000 đồng/kg, gấp khoảng 100 lần so với giá gốc.

Ông Phú cho rằng, nếu giảm bớt được các chi phí kinh doanh, giảm bớt một vài khâu trung gian sẽ làm cho giá cả những mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm đến tay người tiêu dùng giảm được 5-10%.

“Các doanh nghiệp bán lẻ cần chia sẻ lợi nhuận ở mức hợp lý để giảm giá bán. Sắp tới Quốc hội cần luật hóa việc phân phối lợi nhuận giữa các khâu của quá trình sản xuất và phân phối tiêu dùng ở Việt Nam cũng như cách mà Thái Lan đã áp dụng. Ví dụ như ở Thái lan, một kg đường bán ra thì quy định nhà sản xuất phải được hưởng đến 70% lãi, còn tất cả các khâu bán buôn, bán lẻ chỉ nhận 30% lãi”- Ông Phú đề nghị.

Tình hình sản xuất các mặt hàng nguyên vật liệu và lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn đang diễn biến theo chiều hướng ổn định. Trong ảnh: Lãnh đạo Bộ Công Thương kiểm tra giá cả hàng hóa ở một siêu thị tại TP.HCM.

Bên cạnh đó, ông Phú cũng nêu thực tế nhiều địa phương đã công bố chuẩn bị hàng chục nghìn tỉ đồng hàng hóa để phục vụ tết cũng như cam kết không tăng giá bán, thế nhưng vào dịp Tết năm 2016 ở nhiều địa phương vẫn xảy ra tình trạng giá hàng hóa tăng gấp 3-4 lần ngày thường.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2017 thị trường hàng hóa thế giới nói chung và trong nước nói riêng chịu tác động của những yếu tố như vấn đề kinh tế, chính trị thế giới đang có những thay đổi lớn ở một số nước như Mỹ, Anh, Hàn Quốc; đồng USD mạnh lên; việc OPEC cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô…

Mặt hàng xăng dầu trong nước bình quân cả năm 2017 có thể cao hơn mức bình quân năm 2016 nhưng mức tăng không quá lớn (dưới 10%).

Một trong những yếu tố khác tác động đến giá cả năm 2017 được ông An nêu ra là việc lương cơ bản của các đối tượng tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình. Một số hàng hoá, dịch vụ do nhà nước quản lý giá tiếp tục điều chỉnh theo lộ trình.

Tuy nhiên vị này cho rằng diễn biến thị trường năm 2017 sẽ ít có những biến động bất thường. “Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm 2017 sẽ chịu nhiều áp lực và mục tiêu Quốc hội giao là khoảng 4% là khó đạt được”- Ông An nhận định. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới