“Xăng thì giảm giá liên tục, còn giá hàng hóa, dịch vụ vẫn không nhúc nhích. Chúng tôi khó nuốt trôi cảnh này”. “Phải giảm giá cho đồng loạt chứ, đừng thu lợi trên nỗi khổ của người tiêu dùng”… Nhiều bạn đọc đã có ý kiến như trên trước tình trạng xăng thì liên tục giảm giá trong suốt thời gian qua, còn những thứ khác thì cứ y nguyên vậy, thậm chí có hàng hóa còn tăng giá làm cho đời sống người dân gặp khốn khó.
Đừng bắt dân mua hàng đắt đỏ
Thời gian gần đây tôi mừng khi thấy giá xăng liên tiếp giảm xuống còn hơn 15.000 đồng/lít. Cứ nghĩ như vậy các mặt hàng tiêu dùng và dịch vụ sẽ giảm nhưng đến nay mọi thứ vẫn chưa giảm theo. Tôi thất vọng quá.
Trước kia một bó rau muống ngoài chợ chỉ có 2.000-3.000 đồng nhưng khi xăng tăng giá thì giá rau cũng tăng. Tuy nhiên, khi giá xăng giảm, rau không giảm giá theo. Người công nhân lương thấp, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó. Chúng tôi đề nghị các đơn vị, cơ sở kinh doanh phải điều chỉnh giá để người dân không phải gồng mình mua những mặt hàng đắt đỏ.
ĐẶNG THỊ THANH, 146/45 hương lộ 2, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TP.HCM
Dù xăng đã giảm sâu nhưng các dịch vụ và hàng hóa vẫn chưa giảm. Ảnh: HTD
Về quê với xe giá cao
Mấy năm trước, khi giá xăng chưa cao thì mỗi lần về quê tôi chỉ tốn vé có hơn 200.000 đồng. Giá xăng lên thì vé xe đội lên đến 450.000 đồng. Giờ thì giá xăng giảm rồi nhưng giá vé vẫn còn cao lắm, mới giảm được có 10.000 đồng. Chúng tôi vẫn phải cắn răng mua để có thể về thăm gia đình.
Tôi được biết khi giá xăng giảm thì các cơ quan chức năng đã yêu cầu các đơn vị vận tải giảm giá nhưng sao vẫn có giá cao như thế. Phải giảm giá cho đồng loạt chứ, đừng thu lợi trên nỗi khổ của người dân chúng tôi như vậy.
TRẦN VĂN HÙNG, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
Mong giảm giá để còn bán được hàng
Chúng tôi là cửa hàng chuyên buôn bán thực phẩm. Thực ra chúng tôi cũng rất muốn giảm giá hàng hóa nhưng các đại lý bỏ mối không chịu giảm nên cửa hàng cũng chịu. Nhiều khách hàng quen đến mua thực phẩm thắc mắc giá xăng giảm nhưng giá các thực phẩm không giảm thì tôi cũng cười trừ chứ không biết trả lời sao.
Người mua bán như tôi thú thực cũng muốn các mặt hàng giảm giá để buôn bán cho dễ. Chứ cứ như thế này thì buôn bán không đắt hàng.
NGUYỄN THỊ THANH HỒNG, chủ cửa hàng thực phẩm tại quận 3, TP.HCM
Đừng ép giá người mua hàng
Có nhiều mặt hàng thiết yếu bắt buộc người dân phải dùng nên dù giá cao hay thấp người dân cũng phải mua. Nhưng nhà kinh doanh đừng vì vậy mà ép giá người tiêu dùng. Cái nào đáng tăng giá thì tăng, cái nào đáng giảm giá thì giảm. Đừng đánh lận rằng đã tăng rồi thì khó giảm. Tôi nghĩ việc giảm giá xăng phải kéo theo sự giảm giá của những mặt hàng mà họ tính chi phí xăng dầu trong đó. Phải giảm thôi, đừng để người dân bức xúc nữa.
NGUYỄN NGỌC NHƯ, 40 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, TP.HCM
Tăng theo xăng thì phải giảm theo xăng chứ!
Giá xăng nhiều lần giảm nhưng đi chợ có thấy hàng hóa nào giảm đâu. Thậm chí có một số loại tăng như có loại mì gói tăng từ 92.000 đồng lên 95.000 đồng/thùng, mua bia 333 từ 215.000 đồng lên 235.000 đồng. Hồi trước thì họ nói giá xăng tăng nên giá hàng hóa phải tăng theo. Giờ giá xăng giảm thì không thấy ai phát biểu gì hết. Chúng tôi rất muốn sự công bằng, cái nào tăng theo giá xăng thì cũng phải giảm theo giá xăng.
NGUYỄN HÀ DIỄM, giáo viên quận 12, TP.HCM
Không sòng phẳng Vừa rồi nhà tôi đi taxi để dự đám cưới. Tôi hỏi giá cước có giảm chưa thì bác tài lắc đầu: “Chưa anh. Nghe nói phải chờ thêm thời gian”. Tôi thấy cũng kỳ, khi giá xăng tăng thì các hãng vận tải, dịch vụ hành khách đều nhanh chóng tăng giá để tránh lỗ. Vậy mà khi giá xăng giảm thì ai nấy cũng tà tà, ráng kéo dài ngày nào để thu tiền thêm ngày nấy. Như vậy là không thể chấp được. Người dân bình thường như tôi khó nuốt trôi cảnh này. Làm ăn như vậy thì ép người quá, không sòng phẳng. Tôi đề nghị là những giá hàng hóa nào có tính đến chi phí liên quan xăng cộ thì phải ngay lập tức điều chỉnh cho phù hợp. Đừng bắt người dân phải chịu thiệt thòi như vậy! NGUYỄN DŨ, Công ty TNHH Thành Nhật |