Sau hơn hai năm triển khai, chương trình nhãn sinh thái với tên gọi Nhãn xanh Việt Nam do Bộ TN&MT phê duyệt đã đạt nhiều kết quả tích cực. Về cơ bản, chương trình nhằm kêu gọi mọi người tăng cường sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Điều này được thực hiện thông qua việc khuyến khích các mẫu hình sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tính đến nay, có nhiều nhóm sản phẩm thuộc các lĩnh vực vật liệu xây dựng, chiếu sáng, chất tẩy rửa… được cấp tiêu chí đánh giá. Trong đó, tiêu chí cấp nhãn cho sản phẩm “Bao bì giấy tổng hợp dùng đóng gói thực phẩm” cũng được ban hành mới đây.
Bao bì thân thiện với môi trường
Mức độ ảnh hưởng đến môi trường của loại bao bì này rất lớn do quá trình sản xuất sản phẩm, tiêu dùng và thải bỏ. Do vậy các tiêu chí đánh giá nhằm vào mục tiêu kiểm soát tác động môi trường, ô nhiễm như cơ sở trồng rừng nguyên liệu để sản xuất giấy; sản xuất, kinh doanh bao bì giấy tổng hợp; sử dụng bao bì giấy tổng hợp để đóng gói sản phẩm… Đặc biệt, các loại bao bì này được sử dụng để đóng gói thực phẩm nên bộ tiêu chí cũng bao gồm yếu tố tác động của sản phẩm tới sức khỏe người tiêu dùng.
Tại Ngày hội tái chế chất thải lần 5 do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức, gian hàng đổi vỏ hộp sữa lấy quà luôn thu hút đông đảo người dân tham gia. Ảnh: NGỌC CHÂU
Theo đó, doanh nghiệp phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn vệ sinh đối với bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp thực phẩm; đảm bảo không chứa hợp chất, hóa chất có khả năng gây ung thư; không nhiễm độc vào thực phẩm; có chứng nhận về việc sử dụng nguyên liệu gỗ từ các khu rừng; có chứng chỉ để sản xuất giấy nguyên liệu cho sản xuất bao bì. Ngoài ra, sản phẩm không sử dụng các loại mực, thuốc nhuộm, chất màu, các chất phụ gia khác có chứa chì, thủy ngân, cađimi (Cd)… Hàm lượng tổng cộng các kim loại nặng không được vượt quá 250 ppm tính trên khối lượng bao bì. Đặc biệt, trên bao bì phải có phần thông tin mô tả rõ về chất liệu, khối lượng tịnh (đối với chất rắn), thể tích thực (đối với chất lỏng). Hơn nữa, doanh nghiệp phải có hệ thống thu gom, chính sách ký quỹ để thu hồi bao bì sau khi sử dụng. Điều đó nhằm đảm bảo thực hiện tái chế được ít nhất 50% khối lượng bao bì bán ra hằng năm. Để đáp ứng các tiêu chí này, doanh nghiệp cần có tiềm lực lớn cùng chính sách kinh doanh hướng đến sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường.
Công nghệ mới trong tái chế bao bì
Cũng trong hoạt động liên quan đến bao bì giấy, triển lãm quốc tế chuyên ngành kỹ thuật, hóa chất sản xuất giấy 2012 đã diễn ra thu hút gần 60 doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc tham gia. Tại đây, giới thiệu công nghệ tái chế vỏ hộp sữa giấy được đại diện Việt Nam là Công ty Giấy và Bao bì Đồng Tiến giới thiệu đến khách tham quan. Công nghệ này tập trung vào việc tiến hành tách phần nhôm, nhựa từ vỏ hộp đã qua sử dụng để sản xuất mái lợp chất lượng cao. Sản phẩm này được các nhà khoa học đánh giá là có độ bền cơ lý tốt; chịu được môi trường có độ ẩm và nóng cao; cách nhiệt và cách âm tốt; tuổi thọ cao; không bị lão hóa trong môi trường khắc nghiệt… Tuy nhiên, do lượng thu mua vỏ hộp sữa chưa đáp ứng hết công suất nhà máy nên số lượng tấm lợp sản xuất hằng tháng chỉ khoảng 12.000 tấm. Đây là con số quá nhỏ so với nhu cầu thực tế. Ngoài ra, công nghệ còn thu hồi bột giấy từ vỏ hộp sữa để sản xuất giấy bề mặt cao cấp cho thùng carton. Được biết công nghệ này do Tetra Pak chuyển giao và để giúp nhà máy đi vào hoạt động, hai bên đã tổ chức các hoạt động khuyến khích người dân phân loại rác, thu gom vỏ hộp sữa lấy quà. Điển hình là Ngày hội tái chế chất thải do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức. Người dân đã nhiệt tình tham gia với số lượng lớn vỏ hộp sữa được thu gom. Ngoài ra, chương trình đổi quà diễn ra tại các chung cư, trường học cùng các hình thức khuyến mãi, trao thưởng cho cá nhân, đơn vị có thành tích thu gom vỏ hộp sữa nhiều nhất.
Ông Hoàng Trung Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Giấy và Bao bì Đồng Tiến, cho biết: “Qua thời gian ứng dụng công nghệ tái chế vỏ hộp sữa giấy, hiện số lượng vỏ hộp sữa đã qua sử dụng mà chúng tôi thu mua được từ người dân đã tăng dần qua mỗi tuần, mỗi tháng… Dự kiến, từ quý III-2012, lượng thu gom vỏ hộp sữa sẽ tăng mạnh. Vỏ hộp sữa giấy tái chế được 100%, nếu vứt bỏ là một lãng phí lớn và tốn chi phí xử lý, chưa kể còn ảnh hưởng xấu đến môi trường”.
NGỌC CHÂU