Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH), vừa có báo cáo gửi Bộ Y tế về việc thực hiện chính sách pháp luật về Bảo hiểm y tế.
Theo đó, BHXH cho biết hiện nay giá thuốc, vật tư y tế giữa các địa phương có sự chênh lệch. Nguyên nhân, số lượng các Hội đồng đấu thầu thuốc riêng lẻ tăng nhanh do quy định các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) phải đấu thầu riêng lẻ đối với các thuốc không thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương và cấp quốc gia. Trong khi các cơ sở KCB hạn chế về nhân lực, dẫn đến thực hiện công tác đấu thầu chưa hiệu quả, giá trúng thầu của nhiều loại thuốc chênh lệch lớn giữa các Hội đồng, cao hơn giá thuốc trúng thầu trung bình.
Thuốc y học cổ truyền. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, giá thuốc do doanh nghiệp đóng trên địa bàn khi trúng thầu tại các cơ sở KCB của chính địa phương lại cao hơn giá thuốc trúng thầu tại địa phương khác (như tại Bình Định, Phú Yên...). Chỉ tính riêng 40 mặt hàng BHXH chỉ đạo BHXH tỉnh Bình Định xem xét, xử lý và doanh nghiệp tại Bình Định đã chấp nhận điều chỉnh giảm giá thì số tiền giảm đã gần 4 tỉ đồng.
Đối với thuốc y học cổ truyền, mặc dù có chủ trương khuyến khích phát triển y học cổ truyền nhưng các thuốc này chưa đảm bảo chất lượng, độ tin cậy như mong muốn. Giá vị thuốc y học cổ truyền hiện nay chưa được quản lý, chất lượng chưa được kiểm soát.
BHXH cũng nêu những bất cập trong giá trúng thầu vật tư y tế (VTYT). Cụ thể, thuốc cùng chủng loại, nhà sản xuất nhưng có giá khác nhau. Ví dụ giá đỡ (stent) động mạch vành phủ thuốc Biomin, do hãng Meril Ấn Độ (trúng thầu ở Bệnh viện Quân y 103 là 37 triệu/cái, nhưng ở Phú Thọ lại 58,6 triệu/cái).
Trên cơ sở đó, BHXH kiến nghị Chính phủ, quy định lộ trình và mức giảm giá đối với thuốc biệt dược gốc. Giao Bộ Y tế xây dựng Thông tư hướng dẫn đấu thầu VTYT riêng, trong đó BHXH được tham gia vào quá trình đấu thầu VTYT tại các cơ sở y tế.
BHXH cũng đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định trong đấu thầu thuốc, VTYT là nguyên nhân dẫn đến giá trúng thầu thuốc VTYT cao bất hợp lý tại một số địa phương.
Để khắc phục tình trạng giá thuốc chênh lệch giữa các địa phương, BHXH cũng kiến nghị Chính phủ quy định việc sử dụng giá thuốc trúng thầu trung bình do BHXH Việt Nam công bố, làm căn cứ trong xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu và là căn cứ thương thảo giảm giá trong trường hợp giá thuốc trúng thầu cao bất hợp lý.