“UBND tỉnh Bình Định đang kiểm tra việc này. Nếu phát hiện sai phạm, tôi hứa sẽ xử lý nghiêm. UBND tỉnh không chỉ đạo trực tiếp, không can thiệp vào việc đấu thầu thuốc”. Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nói như thế về việc 126 loại thuốc cung cấp cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh có giá trúng thầu cao hơn so với các địa phương khác mà chúng tôi đã phản ánh.
Theo ông Hồ Quốc Dũng, sau khi báo chí phản ánh, Sở Y tế có giải trình về giá thuốc trúng thầu ở Bình Định cao hơn giá trúng thầu tại nhiều địa phương. Sở cho là việc đấu thầu, chấm thầu đúng quy trình, quy định… “Tuy nhiên, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế phải tiếp tục rà soát, không để thất thoát tiền nhà nước, gây thiệt hại đối với người dân” - ông Dũng nói.
Trong công văn, Sở Y tế tỉnh Bình Định cho biết đến nay có 14/18 nhà thầu có công văn trả lời về đề nghị xem xét lại giá trúng thầu thuốc. Theo đó, có bảy nhà thầu đồng ý giảm giá 40 mặt hàng với mức giảm 2%-37%... Công văn nêu là Bảo hiểm xã hội Bình Định yêu cầu thương lượng giảm giá thuốc là không nằm trong các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu thuốc, gây ảnh hưởng đến quá trình cung ứng thuốc phục vụ nhu cầu điều trị cho người bệnh tham gia bảo hiểm y tế; làm cho dư luận hoang mang, hiểu sai về công tác đấu thầu thuốc của ngành y tế Bình Định nói riêng, ngành y tế cả nước nói chung.
Trao đổi với PV, ông Huỳnh Ngọc Oanh, Phó Tổng Giám đốc Bidiphar, đơn vị trúng thầu cung cấp thuốc lớn cho Sở Y tế và đã đồng ý giảm hàng chục mặt hàng có giá cao hơn các địa phương, cho biết giá thuốc trúng thầu của Bidiphar cao là do phải đầu tư lớn, có nhiều chi phí về nhân lực, cơ sở sản xuất, kho bãi… Giá cao bất thường là do công tác làm số có sai sót. “Đây là lỗi kỹ thuật, anh em tính toán sai. Nhiều khi có lỗi trong quá trình làm hồ sơ, tính toán bị nhầm lẫn. Sau khi phát hiện, chúng tôi cố gắng khắc phục. Hiện tiếp tục rà soát, cố gắng giảm được nhiều nhất có thể…” - ông Oanh nói.