Tôi có mua 1 chiếc ô tô nhưng không làm hợp đồng mua bán mà chỉ làm hợp đồng ủy quyền với nội dung: thay mặt chủ xe (bên ủy quyền) sử dụng, mua bán và giải quyết các vấn đề liên quan đến chiếc xe. Vậy tôi có gặp rắc rối pháp lý gì với hợp đồng kiểu này không, ví dụ người thân của chủ xe có thể tranh chấp với tôi hay không?
Luật sư Trương Thị Hòa – Văn phòng luật sư Trương Thị Hòa trả lời: Theo quy định của Bộ luật dân sự, căn cứ vào hợp đồng ủy quyền, bên được ủy quyền sẽ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền phải trả thù lao.
Vậy quyền đối với tài sản hay hợp đồng ủy quyền đó vẫn thuộc người ủy quyền. Trong trường hợp này, chiếc xe vẫn thuộc sở hữu của người ủy quyền, người được ủy quyền chỉ được phép sử dụng nó. Như vậy, chắc chắn có rủi ro xảy ra. Nếu người ủy quyền qua đời, chiếc xe được coi là di sản của người đó. Những người được quyền thừa kế sẽ có quyền khởi kiện, đòi lại chiếc xe.
Thậm chí, khi người này còn sống cũng có thể có rủi ro nếu họ không giữ uy tín trong việc mua bán. Bởi theo luật, người được ủy quyền sẽ phải trả lại tài sản cho người ủy quyền, nếu khai thác tài sản đó có sinh lợi, người được ủy quyền còn phải trả lại tiền cho người ủy quyền (ví dụ cho thuê xe). Khi tham gia giao thông, người sử dụng xe còn có thể bị phạt vì lái xe không chính chủ với mức phạt từ 300 – 400 ngàn đồng.
Mỗi loại giao dịch đều có những quy định cụ thể, giao dịch theo hình thức nào thì nên thực hiện đúng các quy định của hình thức đó. Ví dụ mua bán là phải làm thủ tục chuyển nhượng, sang tên tài sản đầy đủ. Đối với người bán cũng cần thực hiện nghiêm túc việc này, để tránh những rắc rối về sau, nếu người mua xe sử dụng xe làm những việc phi pháp hoặc gây tai nạn.