Ngày 4-12 vừa qua, giá vàng thế giới tăng lên mức cao nhất ở mọi thời đại khi đạt đỉnh 2.148 USD/ounce, tương đương 63,3 triệu đồng/lượng. Tại thị trường Việt Nam, giá vàng SJC biến động cùng chiều, phá vỡ mốc 74 triệu đồng/lượng rồi tăng mạnh lên mức gần 75 triệu đồng/lượng, mức giá kỷ lục từ trước đến nay.
Sau khi tăng lên đỉnh cao nhất ở mọi thời đại, giá vàng giảm nhẹ trở lại nhưng giới phân tích dự báo kim loại quý này có thể tạo mốc lịch sử mới trên 75 triệu đồng/lượng trong thời gian tới.
Giới đầu tư đổ tiền vào vàng
Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương nhìn nhận giá vàng tăng kỷ lục vừa qua do hàng loạt yếu tố tác động. Điển hình như việc một số ngân hàng Mỹ phá sản, căng thẳng địa chính trị và nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương (NHTƯ) trên toàn cầu tăng cao.
Đặc biệt thông điệp gần đây của ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), về việc sẽ cẩn trọng hơn với tăng lãi suất tiếp theo đã khiến thị trường đánh giá Fed sẽ giảm lãi suất vào quý đầu năm 2024, thay vì nửa cuối năm như kỳ vọng trước đó.
“Chính điều này đã thu hút giới đầu tư đổ tiền vào vàng nhằm đón làn sóng tăng giá năm 2024. Mặt khác, giới đầu tư đang lo ngại về khả năng kinh tế toàn cầu suy thoái nên mua vàng để phòng ngừa rủi ro. Ngoài ra, nhu cầu vàng gia tăng vào cuối năm do mùa lễ hội và mùa cưới, cộng thêm các kênh đầu tư như bất động sản, tiền gửi tiết kiệm và chứng khoán không còn hấp dẫn cũng góp phần đẩy giá vàng trong nước tăng cao” - ông Phương nhận định.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nhận định thị trường đang ở trong giai đoạn của một cơn sốt vàng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên cả thế giới, vì không chỉ người dân mà cả NHTƯ cũng tìm cách trữ vàng. Hơn nữa hiện nay chứng khoán xuống thấp, bất động sản cũng lình xình, lãi suất ngân hàng giảm nhanh khiến vàng trở thành “ngôi sao sáng” hấp dẫn.
“Sự suy giảm sức mạnh của đồng USD và lãi suất là động lực chính tác động lên giá vàng, giúp kim loại quý có thể tăng mạnh hơn trong năm 2024” - TS Hiếu dự báo.
Ông Shaokai Fan, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương Hội đồng Vàng thế giới (WGC), cho rằng các NHTƯ là nguồn cầu chính trên thị trường vàng toàn cầu trong vài năm qua và năm 2023 có thể sẽ là một năm kỷ lục.
“Theo ước tính, nhu cầu vàng của NHTƯ đã làm hiệu suất vàng tăng thêm 10% trong năm 2023. Chúng tôi dự báo điều này sẽ tiếp tục vào năm 2024, từ đó sẽ thúc đẩy giá vàng” - ông nói.
Không nên vay tiền để mua vàng
Trên thực tế, vàng là công cụ đa dạng hóa tuyệt vời cho danh mục đầu tư vì kim loại quý này có xu hướng duy trì ổn định khi các thị trường khác sụt giảm. Chẳng hạn, giá vàng đã tăng khá ổn định trong năm 2023 trong khi chứng khoán luôn biến động thất thường. Tính chung, so với đầu năm, giá vàng tại thị trường trong nước tăng khoảng 10%-16% tùy loại. Vàng cũng được xem là “hàng rào” chống lạm phát vì nó mang lại sự ổn định so với giá trị của nhiều tài sản khác.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, giá mua và giá bán vàng trong nước đang chênh lệch trên 1 triệu đồng trong khi thông thường 300.000-400.000 đồng. Điều này có nghĩa là với mức chênh lệch cao này, các nhà kinh doanh vàng đẩy rủi ro cho người mua vàng.
Chưa kể, giá vàng trong nước nhất là vàng miếng cao hơn rất nhiều so với thế giới. Do đó, nếu muốn đầu tư vàng lúc này thì nên theo dõi thị trường vàng thế giới và Việt Nam theo mỗi giờ, chứ không phải mỗi ngày.
“Khi đầu tư vàng không bỏ trứng vào một rổ. Chẳng hạn, người tiêu dùng có tiền tiết kiệm để mua vàng thì chỉ nên sử dụng 1/3 để đầu tư vàng và phần còn lại cho các tài sản khác. Không đầu tư vàng theo kiểu “lướt sóng”, có nghĩa là mua vàng hôm nay với kỳ vọng giá vàng bật tăng ngày mai để bán sẽ rất nguy hiểm vì thị trường vàng biến động khó đoán định được. Cuối cùng người dân không nên vay tiền để mua vàng, cũng như vay vàng để chơi vàng. Vì khi chúng ta vay tiền để mua vàng mà giá xuống thì vừa bị thiệt hại vừa phải trả nợ gánh nặng tài chính” - TS Hiếu khuyến nghị.
Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương đánh giá thông thường giá vàng tăng khi lãi suất giảm. Tuy nhiên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chưa khẳng định sẽ giảm lãi suất trong thời gian tới mà chỉ nhấn mạnh cuộc chiến chống lạm phát có thể chưa kết thúc và sẵn sàng thắt chặt chính sách hơn nữa nếu cần thiết. Biến động trong chính sách của Mỹ có khả năng tác động tiêu cực đến giá vàng.
Tuy nhiên, theo góc nhìn của ông Phương, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ giảm lãi suất như thị trường đang kỳ vọng. Nếu lãi suất giảm vào đầu năm 2024, việc mua vàng lúc này cũng khá hợp lý vì kim loại quý này vẫn còn dư địa để tăng trưởng.
“Nên mua vàng vào thời điểm giá xuống, theo từng chút một để đạt trung bình giá. Trước khi quyết định mua, nhà đầu tư cần phân tích thông tin kinh tế, chính trị, tài chính và chính sách trong lẫn ngoài nước cũng như có sự phân bổ danh mục đầu tư vàng một cách hợp lý” - ông Phương khuyến nghị.
Điều gì sẽ xảy ra với giá vàng trong năm 2024?
Trong báo cáo mới phát hành, Hội đồng Vàng thế giới cho biết năm 2023, bất chấp môi trường lãi suất cao, vàng đã có hiệu suất tốt vượt trội so với thị trường hàng hóa, cổ phiếu và trái phiếu. Năm 2023 cũng được xem là năm mua vàng nhiều kỷ lục của các NHTƯ trên toàn cầu, nhờ đó giá vàng đã củng cố sức mạnh và tạo ra các cơn sốt nóng trong nhiều thời điểm.
Trong năm 2024, vàng sẽ đối diện với các kịch bản và tương ứng sẽ có những chuyển động giá khác nhau. Thứ nhất: Nếu kinh tế Mỹ hạ cánh mềm (trong kinh tế học, hạ cánh mềm là sự suy giảm tăng trưởng kinh tế theo chu kỳ nhưng tránh được suy thoái) sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế toàn cầu nhưng với vàng không đem lại nhiều triển vọng hấp dẫn. Lịch sử đã chứng minh điều này chỉ khiến giá vàng đi ngang, thậm chí giảm.
Thứ hai: Trong năm 2024, nhiều nước lớn bước vào giai đoạn bầu cử trong khi căng thẳng địa chính trị vẫn tăng cao, kết hợp với việc các NHTƯ trên toàn cầu tiếp tục có nhu cầu cao về vàng, có thể khiến giá vàng tăng kỷ lục. Ngoài ra, nếu có một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra sẽ khuyến khích giới đầu tư nắm vàng để phòng ngừa rủi ro.