Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng nghị quyết 98 sẽ được triển khai có hiệu quả

(PLO)-Các nhà đầu tư cho rằng nghị quyết 98 ra đời là cơ hội lớn nhưng thực tế triển khai còn nhiều thách thức.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-12, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) triển khai Diễn đàn Hỗ trợ pháp lý đầu tư 2023 với chủ đề “ Kiến tạo lợi thế mới cho nhà đầu tư TP.HCM trong bối cảnh Nghị quyết 98/2023/QH15”.

Nhà đầu tư đón cơ hội lẫn thách thức khi nghị quyết 89 ra đời

Diễn đàn tập trung khai thác những điểm mới, thay đổi được đặt ra trong nghị quyết liên quan đến hai vấn đề chính lớn đầu tư thông qua phương thức đối tác công - tư; thu hút nhà đầu tư (NĐT) vào dự án “xanh”.

T.S Trần Du Lịch cho biết, liên quan đến lĩnh vực đầu tư chiến lược, nghị quyết 98 ban hành danh mục ưu tiên thu hút đầu tư như sản xuất chip, điện điện tử, vật liệu mới, đặc biệt vấn đề cảng trung chuyển Cần Giờ. Trong các danh mục ưu tiên này quy định rõ về quy mô đầu tư 3.000 hay 50.000 tỉ đồng.

Một vấn đề quan trọng khác liên quan đến quy trình thủ tục, thu hút các NĐT chiến lược, nghị quyết 98 quy định phải theo Luật đầu tư. Như vậy, quyền quyết định là của TP nhưng quy trình thủ tục vẫn theo luật hiện hành, đây là vấn đề phát sinh.

Về ưu đãi đầu tư nghị quyết 98 có hai nội dung. Thứ nhất nhà đầu tư được hưởng ưu đãi 150% chi phí đầu tư R&D thực tế của DN để khấu trừ về thuế, thứ hai là ưu đãi thủ tục về thuế hải quan còn chưa có gì khác.

“Ví dụ một số nhà đầu tư bị chi phối bởi thuế tối thiểu toàn cầu vào tháng 1-2024, chúng ta xử lý cụ thể trong các dự án thu hút đầu tư chiến lược thế nào. Những vấn đề này cần có tư vấn pháp lý”-TS Lịch nói.

Theo T.S Lịch, điều quan trọng là sau khi Chính phủ ban hành thêm các nghị định cùng các quy định của HĐND TP.HCM sẽ hình thành khung pháp lý về đầu tư, quản lý trong năm lĩnh vực để minh bạch cho bộ máy chính quyền TP biết thẩm quyền được làm gì, phải làm gì và NĐT biết môi trường đó an toàn thế nào, để tránh rủi ro về sau.

Luật sư Nguyễn Đức Minh, luật sư cấp cao Công ty Luật TNHH Kim & Chang cho biết, nghị quyết 98 ra đời là cơ hội lớn nhưng để triển khai thực tế còn nhiều thách thức.

Theo luật sư Minh, một NĐT chiến lược với vốn từ 30.000 tỉ đồng trở lên, cơ bản theo luật hiện hành đã có những ưu đãi về thuế thu nhập DN, các hỗ trợ ưu đãi.

Tuy nhiên, nghị quyết 98 chưa liên kết với chính sách ưu đãi này, đây cũng là vấn đề cần làm rõ.

nha-dau-tu.jpg
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại diễn đàn.

Nhà đầu tư vướng đầu tư dự án năng lượng sạch

Bà Lâm Nguyễn Hoàng Thảo, đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, nghị quyết 98 đặt ra một số ưu đãi về tài chính tuy nhiên NĐT gặp một số thách thức.

Chẳng hạn NĐT cam kết với tiến độ thực hiện dự án của mình, phân bổ vốn như đã cam kết trong vòng 5 năm. Không được bán dự án trước thời gian quy định, tích cực đóng góp vào quá trình phát triển nguồn nhân lực bằng việc ưu tiên tuyển dụng nhân sự địa phương. Nếu không tuân thủ sẽ ảnh hưởng đến các khoản khuyến khích đầu tư, NĐT có thể phải chịu rủi ro.

“Quy định này dù nhằm thu hút đầu tư nhưng lại đặt ra cho NĐT phải cảnh giác trước những trở ngại tiềm ẩn”- bà Thảo nhận định.

Theo bà Thảo, các dự án phát triển năng lượng tái tạo mở ra nhiều cơ hội nhưng các NĐTcảm thấy bối rối với việc không có quy định rõ ràng đối với thỏa thuận mua bán điện trực tiếp.

Bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Bộ phận Tư vấn Phát triển bền vững, Lãnh đạo Khối Cơ sở hạ tầng, Chính phủ và Y tế KPMG Việt Nam cho biết, hiện nay NĐT nước ngoài đề cao năng lực đáp ứng điều kiện giảm phát thải khí nhà kính, các điều kiện liên quan đến ESG (Bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp trong quá trình vận hành doanh nghiệp) khi quyết định đầu tư vào dự án của TP.

“Để thu hút đầu tư nhất là các NĐT lớn chúng tôi khuyến nghị TP nên đưa ra chính sách để tăng cường các hoạt động sinh thái xanh, làm sao giúp các tòa nhà đạt được chứng nhận xanh. Tiếp đến TP đưa ra chính sách khuyến nghị các DN, dự án đáp ứng nhiều nhất có thể các tiêu chuẩn ESG thì sẽ thu hút nhiều NĐT hơn”-bà Hà nói.

Bên cạnh đó, TP.HCM chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng xung quanh nút giao thông, là hình thức đầu tư rất thành công ở một số nước châu Á. Cuối cùng, cần nâng cao năng lực cán bộ cấp thực thi. Qua đó, hỗ trợ các NĐT trong việc quyết định đầu tư ở TP hay không.

Đang xây dựng khung chính sách

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, hoan nghênh ý tưởng được cụ thể hóa thành hành động của VIAC và ITPC trong việc hỗ trợ pháp lý, tăng cường thu hút đầu tư tại TP.

Theo ông Hoan, Việt Nam đã kí 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhưng để có thể hưởng lợi nhiều nhất từ lợi ích của các hiệp định này không dễ dàng khi các nước đặt ra những yêu cầu mới về sản phẩm “xanh”.

Ngay trong thu hút đầu tư, các NĐT hiện hữu, NĐT mới đều đặt câu hỏi cho TP về môi trường đầu tư xanh, nhân lực xanh, năng lượng xanh, tài chính xanh,…

Ông Hoan cho biết, TP mong muốn năm 2024 ITPC và VIAC sẽ tổ chức diễn đàn về tăng trưởng xanh.

Hiện nay TP.HCM đang xây dựng khung chính sách, dự định 20 khung chính sách thuộc thẩm quyền TP và có những khung chính sách phải kiến nghị Trung ương.

Đối với bộ tiêu chí lượng hóa được hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư trên tất cả các lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp, du lịch giao thông, tài chính…đều cần xác định rõ lượng phát thải và giải pháp khắc phục. Đây là điểm mà TP đang nghiên cứu và cần góp ý của các đơn vị.

Về mô hình phát triển xanh, mô hình phát triển năng lượng tái tạo thì cần nhất là làm sao để tăng nhận thức của người dân về phát triển xanh và từ đó có thêm nhiều hướng để tham gia cùng nhà nước.

"Trong năm tới TP cần có diễn đàn góp ý chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp công nghệ bán dẫn và chip. Chủ tịch Hiệp hội bán dẫn Hoa Kỳ và ông Jensen Huang, Chủ tịch, CEO Tập đoàn Nvidia -Hoa Kỳ cho biết họ sẵn sàng đến với mình và chúng ta cần có chính sách vượt trội hơn các quốc gia khác. Do đó, chính quyền TP mong muốn các đại diện doanh nghiệp, công dân hiến kế để xây dựng chính sách này"- ông Hoan đề nghị.

Chưa có khung pháp lý rõ ràng về giá bán điện

Ông Nguyễn Văn Hải, Luật sư Thành viên Công ty luật YKBN cho biết, rủi ro mà NĐT lo ngại khi xem xét thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời (ngoại trừ mặt trời áp mái theo hướng tự sản tự tiêu) là chúng ta chưa có khung pháp lý rõ ràng về quy trình thủ tục đầu tư; chưa có khung pháp lý rõ ràng về giá bán điện.

Không có cơ chế bảo đảm NĐT có thể thu hồi được vốn tối thiểu trong trường hợp hợp đồng mua bán điện (PPA) bị chấm dứt trước hạn.

Theo ông Hải, với đặc thù thị trường điện Việt Nam trong bối cảnh hiện tại chỉ có EVN/các công ty con EVN là bên mua điện. Một cấu phần lớn của giá trị một nhà máy điện dựa trên cơ sở nhà máy đó có thể bán điện cho EVN và khi PPA chấm dứt, giá trị của một nhà máy điện không có khả năng bán điện cho bên nào khác là giảm sút nghiêm trọng. Việc thanh lý cũng không có khả năng bù đắp cho các khoản nợ vay đầu tư nhà máy.

“TP.HCM với vai trò quan trọng là cơ quan đầu mối trong việc thực hiện lựa chọn NĐT và cấp phép đầu tư cho các dự án trên địa bàn, có thể hỗ trợ cho NĐT trong việc tham vấn, làm việc với Chính phủ các vấn đề trên. Nhất là Nghị quyết 98 đã tạo khuôn khổ cho TP trong việc thực hiện quy trình đầu tư, áp dụng cho các dự án công nghiệp năng lượng sạch có vốn đầu tư từ 30 ngàn tỉ đồng trở lên”-ông Hải kiến nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm