Đến đầu giờ chiều nay, ngày 1-2, giá vàng miếng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn là 66,5 – 67,3 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua nhưng giảm 500.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với sáng hôm qua.
Chênh lệch giữa giá mua – bán từ mức 1,4 triệu đồng/lượng rút xuống còn 800.000 đồng/lượng.
Vàng nhẫn SJC 99,99 hiện chỉ còn 54,3 triệu đồng/lượng mua vào và 55,4 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều mua và giảm 300.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với đầu phiên sáng ngày vía Thần Tài. Chênh lệch giá mua – bán vẫn giữ ở mức cao là 1,1 triệu đồng/lượng.
Chỉ trong phiên sáng qua là giá vàng toàn thị trường điều chỉnh tăng, sau đó lại giảm ngay dù ngày vía Thần Tài chưa kết thúc.
Như vậy, thị trường vàng trong nước đang có chuỗi phiên giảm giá thứ 4 liên tiếp. Đối với vàng miếng SJC, đà giảm đã khiến sản phẩm này bốc hơi 1,4 triệu đồng/lượng. Còn đối với vàng nữ trang 9999 giảm khoảng 1 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng đêm qua có lúc giảm hàng chục USD/ounce sau đó bất ngờ tăng mạnh. Đến 13h trưa ngày 1-2 (giờ Việt Nam), giá vàng quốc tế giao dịch tại 1.927 USD/ounce nhờ đồng đôla suy yếu.
Kết thúc tháng 1 ghi dấu tháng tăng thứ ba liên tiếp của kim loại quý, trong khi đó đồng USD lại có tháng thứ tư liên tiếp.
Năm 2022 là năm các ngân hàng trung ương mua nhiều vàng nhất kể từ năm 1967. Dữ liệu mới nhất từ Hội đồng vàng thế giới (WGC) cho thấy các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua 1.136 tấn vàng vào năm 2022 - nhiều nhất trong 55 năm qua.
Đây cũng là mức cao thứ hai được ghi nhận kể từ năm 1950 và tăng hơn 150% so với năm 2021. Lực mua chủ yếu đến từ các ngân hàng của thị trường mới nổi, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc.