Giá xăng dầu đắt kỷ lục: Sốt ruột chờ giảm thuế

(PLO)- Nên coi việc cắt giảm thuế, phí với xăng dầu là một khoản đầu tư của Nhà nước. Khoản đầu tư này sẽ mang lại lợi ích tức thì cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 13-6, liên bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Cụ thể, giá xăng E5 tăng thêm 880 đồng/lít, lên mức 31.110 đồng/lít; giá xăng A95 tăng gần 800 đồng/lít, lên mức 32.370 đồng/lít. Tính từ đầu năm đến nay, xăng dầu trong nước đã trải qua 12 kỳ tăng giá trong tổng số 15 kỳ điều hành.

Giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng tăng rất cao, 2.490-2.630 đồng/lít. Cụ thể, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel lên mức 29.020 đồng/lít, dầu hỏa 27.830 đồng/kg.

Giá xăng dầu lập kỷ lục mới, người dân méo mặt

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, nhận xét với mức tăng như trên, giá xăng dầu trong nước đã leo lên mức cao nhất từ trước đến nay.

“Việc các nước cấm vận Nga xuất khẩu dầu là một trong những nguyên nhân chính khiến giá xăng dầu, đặc biệt là giá dầu diesel trong nước tăng mạnh tại phiên điều hành chiều 13-6” - ông Bảo giải thích.

Việc giá xăng dầu liên tiếp thiết lập kỷ lục mới đang gây áp lực lớn lên đời sống người dân, doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế. Chị Nguyễn Ngọc Ánh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) ngao ngán cho biết bình thường chỉ đổ khoảng 80.000 đồng là đầy bình xăng xe máy. Thế nhưng hiện giờ giá xăng tăng quá cao, muốn đổ đầy bình phải tốn đến 110.000 đồng.

Giá các loại xăng tiếp tục lập đỉnh mới, riêng xăng A95 vượt mốc 32.000 đồng/lít. Ảnh: THÙY TRANG

Giá các loại xăng tiếp tục lập đỉnh mới, riêng xăng A95 vượt mốc 32.000 đồng/lít.
Ảnh: THÙY TRANG

“Giá xăng tăng quá cao kéo giá hàng hóa leo thang theo trong khi quỹ lương có hạn, thu nhập không tăng khiến chúng tôi chỉ còn cách phải thắt chặt chi tiêu và hạn chế các hoạt động ra ngoài vui chơi, giải trí” - chị Ánh thở dài.

Anh Nguyễn Hữu Đức, chủ một tiệm tạp hóa ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), cũng lắc đầu ngao ngán về tình trạng bán hàng ế ẩm do giá các mặt hàng thiết yếu đều tăng mạnh từ đầu năm đến nay. “Giá dầu ăn đầu năm trên dưới 40.000 đồng/lít nay đã tăng lên hơn 60.000 đồng/lít. Giá mì tôm, các loại thực phẩm khác cũng tăng theo. Do giá cả tăng nên lượng khách hàng ít hơn trước, mỗi lần mua cũng mua với số lượng ít hơn. Ai nấy đều thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh nguồn thu nhập có hạn. Tình hình này cứ kéo dài khiến chúng tôi rất lo lắng” - anh Đức chia sẻ.

Một số chuyên gia phân tích hiện xăng dầu chiếm khoảng 3,50% trong tổng chi phí sản xuất và là nguồn nguyên liệu đầu vào của hầu hết các ngành trong nền kinh tế. Khi giá xăng dầu tăng sẽ làm chi phí vận tải tăng, làm giá hàng hóa tăng lên. Với tiêu dùng, xăng dầu chiếm 1,52% trong tổng chi tiêu của hộ gia đình, vì vậy khi giá xăng dầu và giá cả hàng hóa tăng, người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu.

Giảm thuế, phí xăng dầu: Cần làm ngay

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, phân tích: Khi giá xăng dầu tăng 10% làm cho lạm phát của nền kinh tế tăng 0,36 điểm phần trăm. Lạm phát bình quân năm tháng đầu năm nay của nền kinh tế tăng 2,25% và trong cùng thời gian này giá xăng dầu tăng gần 50%, góp vào 1,8 điểm phần trăm; giá gas tăng trên 20%, góp 0,3 điểm phần trăm trong mức lạm phát bình quân chung của nền kinh tế. Nếu tình hình này vẫn tiếp diễn trong thời gian tới sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế, nguy cơ lạm phát tăng cao.

Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, ông Lâm cho rằng Chính phủ nên có các giải pháp để kiềm chế giá xăng dầu. Từ đó góp phần giảm bớt khó khăn cho đời sống người dân, DN và góp phần giảm áp lực lạm phát. “Đây là điều rất nên làm” - ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh và cho biết ngay với các nước như Malaysia chủ động được nguồn xăng dầu, họ cũng dùng các biện pháp để kìm giữ giá xăng dầu ở mức 13.000 đồng/lít.

Tác động lớn đến kiểm soát
lạm phát

Trong báo cáo mới phát hành, Công ty Chứng khoán Bảo Việt dẫn số liệu từ cơ quan chức năng cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 5 đã tăng 2,86% so với cùng kỳ và tăng 0,38% so với tháng trước đó. Giá xăng dầu và giá thực phẩm là nguyên nhân khiến chỉ số này tăng mạnh.

Nếu giá xăng dầu và giá thực phẩm tiếp tục duy trì ở mức cao, có thể sẽ ảnh hưởng đến việc giữ mức lạm phát mục tiêu 4% của Chính phủ.

Gần đây, một số nhà quản lý cho rằng nếu lạm dụng các biện pháp để kiềm chế giá xăng dầu thì sợ nước ngoài đánh thuế chống bán phá giá. Tuy nhiên, TS Nguyễn Bích Lâm cho rằng điều này không đúng. Vì ngay như Mỹ cũng có biện pháp kìm giữ giá xăng dầu nên giá xăng dầu của họ cũng không cao bằng Việt Nam. “Phải chăng khi kìm giữ như vậy, họ không sợ thuế chống bán phá giá? Những lập luận đó chưa xác đáng, thuyết phục” - ông Lâm nói.

Vị chuyên gia này cũng đặt vấn đề: Vừa qua Quốc hội (QH) đã đồng ý giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, nay cần tiếp tục xem xét có nên giảm tiếp hay không. Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng… cũng phải nghiên cứu cắt giảm. Đặc biệt, xăng dầu là mặt hàng chiến lược quan trọng nên không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Bởi thuế này chỉ đánh vào một số mặt hàng không khuyến khích tiêu thụ như thuốc lá, rượu bia.

Một số ý kiến lập luận rằng cắt giảm thuế sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, TS Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh trong tình cảnh hiện nay phải coi việc cắt giảm thuế, phí là một khoản đầu tư của Nhà nước cho DN, người dân. Khoản đầu tư này sẽ mang lại lợi ích tức thì cho cả người dân, DN và nền kinh tế. Bởi khi cả trăm ngàn DN vẫn tồn tại và sản xuất được thì đây chính là nguồn thu trước mắt và lâu dài của nền kinh tế. Lợi ích từ nguồn thu sản xuất, phát triển còn gấp bao nhiêu lần thu từ thuế xăng dầu.

“Ngoài ra, Việt Nam cũng xuất khẩu dầu thô trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng cao, vì vậy phần chênh lệch tăng thu đó nên đưa vào bù đắp cho giá xăng dầu tăng trong nước” - ông Lâm nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực cho rằng các cơ quan chức năng có thể cân nhắc sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu một cách linh hoạt hơn nữa. Đồng thời cân nhắc giảm một số loại thuế, phí đối với xăng dầu như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng động cơ không pha chì. Bên cạnh đó, cân nhắc biện pháp hỗ trợ một số lĩnh vực chịu tác động nặng nề bởi giá xăng dầu tăng mạnh như vận tải.

Vẫn đang xem xét giảm thuế, phí xăng dầu

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, có ba biện pháp cần tập trung thực hiện nhằm kiềm chế tối đa mức tăng của giá xăng dầu và tác động tiêu cực khi giá xăng dầu tăng cao. Trước hết sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động giá của thế giới. Từ đó góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ việc phục hồi kinh tế.

Biện pháp thứ hai, theo Thứ trưởng Hải là điều chỉnh các loại thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu. Vừa qua đã giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn 50% và giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường với dầu hỏa. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành tiếp tục rà soát trong phạm vi cho phép để giảm tiếp các loại thuế có liên quan đến cơ cấu giá xăng dầu.

Ngoài ra, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng có thể tính tới các chính sách an sinh như hỗ trợ người nghèo, thu nhập thấp và doanh nghiệp

Trong khi đó, tại phiên chất vấn QH ngày 8-6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng vấn đề có giảm thuế môi trường với xăng dầu thuộc thẩm quyền của QH và Ủy ban Thường vụ QH. Việc giảm các loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), thuế xuất nhập khẩu (8%), thuế VAT (10%)... cũng thuộc thẩm quyền của QH.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phớc cam kết sẽ đánh giá tác động, báo cáo với Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ QH, QH có thể giảm thêm thuế với xăng dầu nhằm giảm giá mặt hàng này.

Giá trứng gà, trứng vịt vừa tăng. Ảnh: TÚ UYÊN

Giá trứng gà, trứng vịt vừa tăng. Ảnh: TÚ UYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm