Giá xăng giảm 3.000 đồng: Vẫn còn nhiều việc phải làm

(PLO)-  Để chống cú sốc về giá xăng, Nhà nước cần thiết lập các giải pháp tổng thể từ giảm thuế, phí cho đến trợ cấp các ngành nghề đặc thù.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dù giá xăng dầu tại Việt Nam vừa giảm khá mạnh hơn 3.000 đồng/lít nhưng dự báo thời gian tới giá mặt hàng này sẽ tiếp tục có nhiều biến động và đứng ở mức cao. Do vậy, Nhà nước cần tiếp tục có giải pháp tổng thể để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) tránh cú sốc giá xăng dầu.

Chưa thể giảm giá mạnh trong thời gian ngắn

Ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, dẫn dự báo của các tổ chức quốc tế cho biết: Trong quý II năm nay, giá dầu trung bình 115-116 USD/thùng và có chiều hướng giảm vào quý III và quý IV nhưng vẫn ở mức cao. Các yếu tố tác động lớn đến giá dầu vẫn nằm ở căng thẳng địa chính trị. Mặt khác, năng lực khai thác của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn chưa thực hiện theo các cam kết. Trong khi đó, nhu cầu dầu ngày càng tăng vì các hoạt động kinh tế toàn cầu dần phục hồi hậu COVID-19. Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới, bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa sẽ làm tăng nhu cầu dầu thô lớn hơn so với giai đoạn hiện tại.

“Các yếu tố này sẽ khiến giá dầu thô toàn cầu được dự báo vẫn duy trì ở mức cao trong thời gian tới” - ông Dương nói.

Giá xăng E5 vừa giảm 3.110 đồng, về mức 27.780 đồng/lít và xăng A95 giảm 3.090 đồng, về mức 29.670 đồng/lít. Ảnh: HOÀNG GIANG

Giá xăng E5 vừa giảm 3.110 đồng, về mức 27.780 đồng/lít và xăng A95 giảm 3.090 đồng, về mức 29.670 đồng/lít. Ảnh: HOÀNG GIANG

Các chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán KBSV cũng dự báo giá dầu Brent trong quý III-2022 và phần còn lại của năm 2022 khả năng cao sẽ duy trì quanh mốc 100 USD/thùng. Nguyên nhân do căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine và lo ngại về các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga - nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ ba thế giới với sản lượng chiếm 10% trên tổng nguồn cung. Bên cạnh đó, việc OPEC+ chưa đạt được mức tăng sản lượng thực tế như kỳ vọng để bù đắp vào sản lượng thiếu hụt của Nga cũng là một lý do giúp giá dầu neo ở mức cao.

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán SSI, cũng nhận định triển vọng giá dầu trong sáu tháng cuối năm khó giảm mạnh vì thiếu hụt nguồn cung và cần thời gian dài để bổ sung, khó giải quyết được ngay lập tức. Một tác động khác không nhỏ lên giá xăng dầu nằm ở chi phí vận hành các nhà máy lọc dầu.

Theo đó, khi giá dầu tăng cao, các lĩnh vực chế biến xăng dầu, hay lọc dầu sẽ đối diện với chi phí rất cao từ chi phí hóa phẩm, xúc tác cho đến chi phí logistics, bảo hiểm đều tăng. Các yếu tố này sẽ giữ dầu vẫn ở mức cao.

Đặc biệt, nếu các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu khiến Nga cắt giảm sản lượng dầu thô để trả đũa thì nguồn cung dầu ngày càng bị thắt chặt, có thể đẩy giá dầu lên mức rất cao. JPMorgan nhận định nếu Nga cắt giảm 3 triệu thùng dầu/ngày thì giá dầu có thể leo lên 180 USD. Trong trường hợp xấu nhất, với kịch bản Nga giảm sản lượng 5 triệu thùng, giá dầu sẽ tăng vọt lên 380 USD. Tuy nhiên, giá dầu có thể đi xuống nếu nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.

Giảm thuế môi trường là chưa đủ

Bộ Tài chính mới đây cho biết đang nghiên cứu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (VAT) có trong xăng để trình lên Quốc hội trong tháng 10 tới. Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường trong xăng, áp dụng vào ngày 11-7.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), việc giảm thuế bảo vệ môi trường vẫn chưa có nhiều ý nghĩa và mang lại tác động hiệu quả trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao. Vì vậy, khi nguồn thu từ khai thác, xuất khẩu dầu đang tăng mạnh và vượt dự toán đề ra thì cơ quan quản lý nhà nước nên có quyết sách nhanh chóng giảm thêm thuế nhập khẩu, VAT và tạm miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đến cuối năm nay.

“Hành động này sẽ giúp kiềm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, giảm khó khăn cho người dân và DN” - VEPR nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng cần triển khai việc giảm thuế xăng dầu vào thực tế càng nhanh càng tốt thay vì để đến tháng 10 mới trình lên Quốc hội. Hiện cấu thành khoản thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam vào khoảng 1/3. Với mức giá như hiện nay, nếu loại bỏ thuế, phí, không thu một đồng nào thì giá xăng dầu giảm xuống gần 20.000 đồng/lít.

“Nếu nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam theo giá thế giới, bản thân xăng dầu sản xuất tại Nghi Sơn và Dung Quất hiện nay cũng biến động theo giá thế giới thì chúng ta có công cụ thuế, phí để hạ nhiệt xăng. Cụ thể là cắt giảm thuế, phí hoặc miễn, giảm thuế, phí đối với xăng dầu trong một thời gian để giúp kiểm soát bão giá hiện nay” - TS Ánh nhấn mạnh.

TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nhận xét việc Nhà nước nhanh chóng giảm thuế bảo vệ môi trường trong xăng là hành động rất nhanh để hỗ trợ cho người dân, DN. Tuy nhiên, điều này là chưa đủ. Để chống cú sốc giá xăng hiệu quả, Nhà nước cần thiết lập các giải pháp tổng thể từ giảm thuế, phí cho đến trợ cấp cho các ngành nghề đặc thù.

“Chẳng hạn, với người nghèo, Nhà nước có thể phát phiếu xăng hỗ trợ họ. Mặt khác, Nhà nước cần trợ cấp chi phí nhiên liệu cho các DN vận tải sẽ tác động dây chuyền giảm giá thành sản xuất, chế biến và qua đó hạ nhiệt lạm phát. DN cũng nên tính toán chuyển đổi công nghệ, giảm thiểu chi phí nhiên liệu để duy trì giá thành hợp lý, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường” - TS Thịnh khuyến nghị.•

Hỗ trợ các đối tượng bị tác động trực tiếp

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa có công văn yêu cầu Bộ Tài chính sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi (MFN) để đa dạng nguồn cung xăng dầu. Đồng thời sớm nghiên cứu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT với xăng dầu để trình Quốc hội xem xét, quyết định phù hợp trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn giữ ở mức cao.

Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng Chính phủ xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nghị định liên quan đến thuế nhập khẩu ưu đãi, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt… trong lĩnh vực xăng dầu.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có các chính sách chủ động để có giải pháp phù hợp, kịp thời hỗ trợ các đối tượng bị tác động trực tiếp trong trường hợp giảm giá xăng mà vẫn gặp khó khăn. Đơn cử như ngư dân đánh bắt thủy sản xa bờ, giao thông vận tải, người nghèo, người có thu nhập thấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm