Tiếp tục nghiên cứu giảm thuế cho xăng, dầu

(PLO)-  Phó Thủ tướng ghi nhận việc Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ về phân bổ gói 6.600 tỉ đồng hỗ trợ người lao động thuê nhà.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 7-7, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành nhằm sơ kết sáu tháng đầu năm 2022 và thảo luận các giải pháp cho sáu tháng cuối năm.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thông tin: tại hội nghị trực tiếp Chính phủ với các địa phương vừa qua, Chính phủ đã thống nhất đánh giá những kết quả đạt được sáu tháng đầu năm là rất đáng khích lệ.

Trong thành tích chung ấy, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh có sự đóng góp lớn của ngành tài chính. Bởi tất cả các chính sách, chương trình triển khai nếu không có tài chính sẽ không thể làm được.

Tích cực tháo gỡ khó khăn cho dân, doanh nghiệp

Theo Phó Thủ tướng, chưa bao giờ các chính sách tài khóa lại được triển khai cùng lúc nhiều như thời gian gần đây. Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch, ngành Tài chính đã rất chủ động, tích cực, nhanh chóng nghiên cứu tìm giải pháp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế.

“Đơn cử như kịp thời tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 15 về miễn, giảm thuế GTGT chỉ sau 18 ngày kể từ khi Nghị quyết 11 của Chính phủ được ban hành. Nhờ được ban hành và triển khai kịp thời ngay từ đầu năm, đến nay gói chính sách hỗ trợ trị giá 64.000 tỷ đồng này đã được giải ngân tích cực” - Phó Thủ tướng nói.

Ngoài ra, còn nhiều chính sách khác cũng được đánh giá tích cực như Nghị định 34 về gia hạn thuế; Nghị định 36 về hỗ trợ lãi suất với Ngân hàng xã hội; trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 18 về giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu; ban hành thông tư giảm 37 loại phí, lệ phí…

“Rất nhiều công cụ tài chính phải sử dụng trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế. Cần nghiên cứu nhanh, đề xuất nhanh mới kịp. Nếu Nghị định 15 mà ban hành chậm thì sẽ ảnh hưởng tới lạm phát thế nào, giải ngân có kịp không ? Cho nên tôi đánh giá rất cao” - Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao đóng góp của ngành tài chính vào thành tích chung của cả nước. Ảnh: BTC

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao đóng góp của ngành tài chính vào thành tích chung của cả nước. Ảnh: BTC

Kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2022 đạt 66,1% dự toán, tăng hơn 18% so với cùng kỳ, các sắc thu đều đạt khá so với dự toán. Miễn, giãn, giảm thuế ước khoảng 45,9 nghìn tỉ đồng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành 6.600 tỉ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi để đảm bảo nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế.

Phó Thủ tướng nhận xét, nguồn lực cho phục hồi từ ngân sách không nhiều, Bộ Tài chính đã chủ động sử dụng nguồn tăng thu để bố trí luôn, tính toán sao cho đầy đủ, phù hợp với tình hình thực tế. Bộ Tài chính cũng đã rất tích cực thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi, đề xuất Chính phủ ban hành các giải pháp tiết kiệm chi để sử dụng nguồn lực nhà nước hiệu quả.

Tiếp tục nghiên cứu giảm thuế

Thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu các chính sách tài khóa về thuế, phí để trình cấp thẩm quyền, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để kịp thời tham mưu, cập nhật các kịch bản tăng trưởng, giải pháp điều hành trong phạm vi nhiệm vụ được giao.

Kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền các nhiệm vụ giải pháp để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Phối hợp các bộ, ngành tập trung triển khai kịp thời các giải pháp, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng năm 2022 đề ra.

Liên quan đến giá xăng dầu, Phó Thủ tướng lưu ý sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường, phải chuẩn bị để kịp thực hiện ngay từ 11-7. Còn lại các giải pháp về thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt, thuế MFN… cần tiếp tục nghiên cứu đánh giá tác động để đề xuất cho phù hợp.

Toàn cảnh hội nghị sơ kết sáu tháng ngành tài chính. Ảnh: BTC

Toàn cảnh hội nghị sơ kết sáu tháng ngành tài chính. Ảnh: BTC

Với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng yêu cầu phải có đề án huy động vốn từ xã hội thông qua các kênh huy động, trái phiếu Chính phủ…, căn cứ tiến độ chương trình để có đề án huy động kịp thời hợp lý.

Phó Thủ tướng đề nghị ngành tài chính làm tốt công tác quản lý thu, làm tốt nguồn thu, chống thất thu, chuyển giá, hiện đại hóa phương thức quản lý thuế, đề nghị lãnh đạo các địa phương vào cuộc chỉ đạo sát sao để thực hiện các giải pháp tài chính ngân sách đã được Quốc hội thông qua. Tích cực xử lý, thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn.

“Mặc dù công tác thu đã làm tốt trong sáu tháng qua, nhưng với tình hình diễn biến phức tạp cần tăng cường trách nhiệm, thực hiện các giải pháp, để đảm bảo nguồn lực cho các nhiệm vụ chi” - Phó Thủ tướng lưu ý.

Ông cũng yêu cầu cắt giảm tối đa các khoản chi không cần thiết, chỉ đề xuất các chính sách làm tăng chi khi thực sự cần thiết, có nguồn đảm bảo. Cùng với đó, siết chặt kỷ luật kỷ cương tài chính, kỷ luật ngân sách trong thực thi công vụ, thực hiện nghiêm kết luận thanh tra, kiểm toán, đẩy mạnh chống buôn lậu hàng gian, hàng giả, chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm.

Xử lý các điểm nghẽn của nền kinh tế

Ngoài những nhiệm vụ theo quyền hạn, Phó Thủ tướng ghi nhận Bộ Tài chính đã chủ động cùng với các ngành khác xử lý các điểm nghẽn của nền kinh tế. Theo đó, Bộ đã cùng các bộ, ngành khác tập trung tìm giải pháp xử lý các tồn đọng như bốn ngân hàng yếu kém, xử lý tài chính các dự án, các tập đoàn yếu kém khác như SBIC…

“Xử lý các công việc bình thường đã khó, xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài này càng khó hơn, mất rất nhiều thời gian, công sức” - Phó Thủ tướng nói và biểu dương những nỗ lực, kết quả đạt được của ngành Tài chính.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm