Giải cứu đại gia: Người thành công, kẻ chật vật

Thời gian qua đã diễn ra hàng loạt cuộc giải cứu các đại gia đình đám ngành nông nghiệp. Trên thực tế, có những cuộc giải cứu thành công nhưng cũng có những cuộc giải cứu chưa mang lại kết quả như kỳ vọng.

Sự xuất hiện của đại gia sữa Vinamilk giúp Sữa Mộc Châu bật lên nhanh chóng. Ảnh: TL

Giải cứu thành công

Công ty Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) từ một thương hiệu nhỏ bé, kinh doanh èo uột đã có sự tăng trưởng nhanh chóng kể từ khi Vinamilk tham gia “giải cứu”. Sự xuất hiện của đại gia sữa lớn nhất Việt Nam (VN) đồng nghĩa Sữa Mộc Châu nhanh chóng hưởng lợi từ hệ thống phân phối cho đến nguồn lực tài chính dồi dào và quản trị hiện đại.

Chính vì vậy, chỉ sau một năm kể từ khi có sự trợ giúp của Vinamilk, kết quả kinh doanh của Sữa Mộc Châu thay đổi theo chiều hướng tăng mạnh. Tính đến hết quý III-2020, Sữa Mộc Châu đã có doanh thu lên đến hơn 2.100 tỉ đồng, kéo theo đó lãi ròng cũng tăng mạnh.

“Chỉ trong gần một năm với sự tham gia của Vinamilk, Sữa Mộc Châu đã có sự trưởng thành về kinh doanh, hoàn thiện với các mô hình tiên tiến về quản trị công ty và được đầu tư thêm dây chuyền sản xuất sản phẩm sữa, mở rộng quy mô đàn bò” - ông Phạm Hải Nam, Tổng giám đốc Sữa Mộc Châu, cho biết.

Đáng chú ý, mới đây Sữa Mộc Châu trở thành công ty sữa thứ hai có mặt trên sàn chứng khoán, chỉ sau Vinamilk. Vừa bước lên sàn UpCom vào ngày 18-12 với mức giá ban đầu 42.000 đồng, chỉ trong vòng sáu ngày (đến ngày 24-12), cổ phiếu của công ty này đã tăng lên mức 73.300 đồng.

Như vậy, với 66,8 triệu cổ phiếu phát hành, giá trị vốn hóa của Sữa Mộc Châu đã đạt hơn 4.800 tỉ đồng, không thua kém bất kỳ công ty lớn nào trên sàn chứng khoán.

Một tên tuổi khác là Sữa Ba Vì cũng từng thua lỗ kéo dài, được Quỹ đầu tư VinaCapital và Tập đoàn đầu tư Daiwa (Nhật Bản) bước vào giải cứu đã có cuộc lột xác mạnh. Nhờ vào nguồn lực tài chính từ những ông lớn, Sữa Ba Vì từng bước xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối mạnh trên thị trường và đã chuyển những khoản lỗ thành có lợi nhuận.

Lũy kế nửa đầu năm nay, doanh thu thuần về bán hàng của Sữa Ba Vì đạt gần 1.700 tỉ đồng, còn lợi nhuận trước thuế đạt hơn 150 tỉ đồng. Con số này tăng cao so với cùng kỳ về doanh thu và lãi lần lượt là 769 tỉ đồng và 62 tỉ đồng.

Sau giải cứu vẫn lận đận

Từ năm 2018, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) quyết định đầu tư vào Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) - công ty con của Hoàng Anh Gia Lai. Thaco cam kết rót 1 tỉ USD vào HAGL. Sau đó, Thaco tiếp tục rót vốn khủng vào Công ty cổ phần Hùng Vương để phát triển mảng thủy sản và chăn nuôi heo.

Nhờ sự hỗ trợ của Thaco, HAGL đã đầu tư mạnh vào vùng cây ăn trái, qua đó bước đầu doanh thu trái cây chiếm tỉ trọng lớn. Hết quý III-2020, HAGL đã bán được gần 1.500 tỉ đồng từ trái cây các loại, trong khi cùng kỳ chỉ đạt 937 tỉ đồng.

Bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn HAGL) từng đặt mục tiêu một khi doanh thu trái cây tăng nhanh và ổn định thì cân đối được thu chi, trong đó có trả nợ tới hạn của ngân hàng và từng bước trả nợ dần cho Thaco. Thế nhưng đến thời điểm này, bầu Đức vẫn vật lộn với các khoản lỗ. Ví dụ quý III-2020, HAGL ghi nhận khoản lỗ lên đến 352 tỉ đồng.

Bà Võ Thị Mỹ Hạnh, Tổng giám đốc HAGL Agrico, giải thích nguyên nhân lỗ là do dịch COVID-19 nên thị trường đầu ra các loại trái cây bị ảnh hưởng, dẫn đến giá bán giảm sâu. Lỗ cũng đồng nghĩa với không có dòng tiền để trả nợ và hệ quả là tổng nợ của HAGL Agrico lên đến gần 16.000 tỉ đồng, tăng 17% so với đầu năm.

Công ty cổ phần Hùng Vương, vua cá một thời, cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Vào đầu năm 2020, tại buổi lễ ký kết hợp tác chiến lược, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hùng Vương, cũng tin tưởng công ty sẽ vượt qua khó khăn. Thế nhưng gần kết thúc năm 2020, vua cá Hùng Vương chưa có dấu hiệu kinh doanh khởi sắc. Báo cáo tài chính hai quý năm 2020 của Hùng Vương cho thấy khoản lỗ gần 500 tỉ đồng.

Không chỉ vậy, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) mới đây đã quyết định hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu của Hùng Vương. Lý do là công ty này vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin nên buộc phải hủy niêm yết để bảo vệ nhà đầu tư.

Tuy vậy, một điểm sáng là Thaco và Hùng Vương mới đây đã quyết định bỏ ra gần 600 tỉ đồng lập công ty chuyên về nuôi heo và sản xuất thức ăn chăn nuôi. Cả hai bên có tham vọng xây dựng mục tiêu với 45.000 con heo bố mẹ và nuôi heo thịt với sản lượng 1,2 triệu con theo tiêu chuẩn châu Âu.

Muốn nền nông nghiệp Việt phát triển mạnh

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hùng Vương, cho rằng nếu tháo gỡ được các nút thắt, ngành nông nghiệp VN sẽ phát triển lớn. Nếu có công nghệ tốt thì giá thành tốt và an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ tốt hơn.

“Chúng tôi cùng có một điểm chung là mong muốn xây dựng một nền nông nghiệp VN phát triển mạnh mẽ, cũng như chuỗi giá trị sản phẩm an toàn vệ sinh” - ông Minh nói.

Trong khi đó, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HAGL, nhìn nhận Thaco đã giúp công ty bước đầu vượt qua khó khăn, đồng thời đã đặt nền tảng mang tính đột phá đưa HAGL sớm trở thành một tập đoàn nông nghiệp có quy mô lớn theo hướng công nghiệp, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đặc biệt, Thaco giúp HAGL tạo ra chuỗi giá trị cây ăn trái nhiệt đới trong ngành nông nghiệp VN tham gia thị trường toàn cầu.

Gánh nặng nợ quá lớn

Theo chuyên gia tài chính Trần Đình Phương, việc giải cứu bằng cách tái cấu trúc toàn diện công ty từ kinh doanh cho đến các khoản nợ đòi hỏi thời gian dài hơi và chiến lược kinh doanh đúng đắn. Dù còn khó khăn nhưng HAGL Agrico đã có một số tín hiệu lạc quan khi tập trung vào ngành cốt lõi khai thác cây ăn trái và cố gắng giải quyết nợ. Riêng Hùng Vương chưa có thông tin lạc quan.

“Dịch COVID-19 diễn ra bất ngờ và kéo dài khiến các kế hoạch kinh doanh đã hoạch định trước đó bị ảnh hưởng do hai công ty này hướng đến thị trường xuất khẩu là chủ yếu. Do bị ảnh hưởng nên kinh doanh ảm đạm, không có nguồn thu và tiếp theo không có dòng tiền. Trong khi đó, gánh nặng nợ chưa giải quyết hết đã tạo áp lực nặng nề khó có lối ra khả thi trong thời gian này” - ông Phương nhận định.

Đồng quan điểm, một số chuyên gia khác cho rằng nếu gỡ từng nút thắt trong hệ thống sản xuất, kinh doanh thì hy vọng HAGL và Hùng Vương sẽ vượt qua khó khăn. Hơn nữa, họ là những người tâm huyết với nền nông nghiệp nên sẽ tìm ra cách vượt chướng ngại. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm