'Giải độc' công nghệ: Đừng để AI dẫn dụ mình

Từ thực tế đó, CLB Tổ chức Sự kiện Tiêu điểm Focus Club, trực thuộc Phòng Truyền thông và Quan hệ Doanh Nghiệp - Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM tổ chức chương trình USSH Talk “Giải độc” công nghệ, bắt đầu từ đâu?" nhằm chia sẻ về tình trạng này và những cách để dần thoát khỏi sự kiểm soát của công nghệ thông qua các diễn giả khách mời là những người từng trải, có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ thông minh.

Cách chúng ta sử dụng công nghệ sẽ quyết định những giá trị mà nó mang lại - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

Dữ liệu bị thu thập thầm kín

Theo anh Phạm Công Nhật - Thạc sĩ truyền thông Đại học Stirling (Vương quốc Anh), Gen Z (những cá nhân sinh từ 1995 - 2010) được cho là công dân thế hệ số vì tiếp cận với công nghệ ngay từ khi sinh ra, coi mạng xã hội và điện thoại như “hơi thở”.

Thế hệ này có ưu điểm là thành thạo công nghệ, có thể làm việc đa nhiệm hơn thế hệ trước. Tuy nhiên, chính vì bị công nghệ tác động mạnh nên khả năng tập trung của họ ít hơn, ít kiên nhẫn hơn, chưa có kinh nghiệm, kỹ năng đối diện với khủng hoảng như COVID-19 và chưa kịp thấm nhuần văn hóa doanh nghiệp.

Persuasive Technology (công nghệ thuyết phục) là một trong những lý do khiến thay đổi về tính cách, hành vi và thế giới quan của con người.

Khi chúng ta like, share status nào đó nhiều thì thuật toán hoặc ứng dụng đó sẽ hiểu rằng chúng ta đang thích và quan tâm, từ đó chỉ tập trung đưa thông tin một chiều. Vì vậy, thế giới quan của nhiều người bị mất một nửa và chỉ nhìn thấy những người đồng quan điểm với mình.

“Chính vì thế giới quan, góc nhìn bị mất đi một nửa khiến khả năng tranh luận bị hạn chế. Khuynh hướng người dùng nói chung và Gen Z nói riêng sẽ bảo vệ cái tôi của mình bằng mọi giá. Điều này rất khó khăn nếu sau này các bạn trẻ muốn xin vào các công ty tốt hay tập đoàn lớn. Hầu hết, họ quan tâm EQ cần ngang bằng với IQ” - anh Phạm Công Nhật cho biết.

Đa số, khi chúng ta truy cập mạng thì dữ liệu bị thu thập thầm kín với một lý do rất chính đáng “Cải thiện trải nghiệm người dùng” nhưng thực ra câu chuyện đằng sau như thế nào chúng ta không thể khẳng định được. Anh Công Nhật nhấn mạnh: “Cái gì chúng ta dùng, chúng ta trả tiền thì cái đó là sản phẩm. Cái gì chúng ta dùng nhưng không trả tiền thì chúng ta là sản phẩm”.

Anh Công Nhật gửi gắm: “Ngày nay, các bạn trẻ quá phụ thuộc vào công nghệ khiến mất đi nhiều kỹ năng. Đây là điểm bất lợi khi  khi bước vào thị trường lao động đầy cạnh tranh. Một trong kỹ năng quan trọng trong thế kỷ 21 là học tập trọn đời. Các bạn luôn luôn phải học điều mới mỗi ngày, ngày hôm nay phải biết nhiều hơn ngày hôm qua. Đặc biệt, không nên nạp quá nhiều dữ liệu của bản thân cho AI”.  

Máy móc hiểu rất rõ về chúng ta

Anh Bùi Mạnh Hùng - Sinh viên cao học Khoa học Máy tính tại Đại học Stanford (Mỹ) cho rằng, đôi khi máy móc hiểu rất rõ về chúng ta vì chúng có bức tranh tổng thể về người dùng.

“Khi tạo ra các ứng dụng mạng xã hội, người ta muốn người dùng thực sự trở nên đắm chìm trong đó để cung cấp những thông tin có lợi dùng để bán, quảng cáo hoặc tạo ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người dùng. Họ tung ra mạng lưới lớn để thu thập thông tin, các thiết bị công nghệ đều có thể phân tích và hiểu được” - Anh Mạnh Hùng chia sẻ

Lý giải cho điều này, anh Phạm Công Nhật cho rằng: “Chúng ta sẽ có khuynh hướng không dám hỏi một vài thông tin nhạy cảm với người thân vì sợ bị phán xét, thay vào đó lại thường xuyên tra google. Đó chính là lý do google có thể thu thập dữ liệu của chúng ta nhiều hơn và hiểu rõ hơn bản chất con người của chúng ta”.

Để tránh được xao nhãng khi sử dụng các thiết bị công nghệ, điều mà Mạnh Hùng làm là tắt hết thông báo của điện thoại không phải từ người thật, giảm độ thu hút của các ứng dụng, dọn dẹp màn hình chủ và chỉ để lại những ứng dụng cần thiết nhất.

MC Quang Bảo cho biết, một ngày có 7 - 10 công việc nhưng thực chất chỉ có khoảng 2 - 3 công việc quan trọng bắt buộc phải hoàn thành. Vì thế, hãy tập trung hoàn thành  công việc quan trọng nhất trong khoảng thời gian sớm nhất đầu ngày.

“Phải nhận biết được những điều bạn biết hôm nay chỉ là một giọt nước, và những điều chưa biết là cả một đại dương. Quan trọng là ý thức được cần phát triển bản thân mình hơn, mỗi ngày dành thời gian để hoàn thành công việc cần phải làm, bên cạnh đó học thêm một kỹ năng để giúp cho công việc hay bản thân tốt hơn và không bị phụ thuộc vào bất cứ điều gì xung quanh”- MC Quang Bảo chia sẻ.

Rối loạn sức khỏe tâm thần

Theo ThS. BS Nguyễn Trung Nghĩa- Đơn vị Tâm lý - Tâm thần Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn (giảng viên thỉnh giảng khoa Tâm lý học - ĐH KHXH&NV-ĐHQG-HCM), nghiện công nghệ gây nên rối loạn sức khỏe tâm thần bao gồm 3 yếu tố: Thứ nhất là tạo cảm giác thèm nhớ, thứ hai là sự lặp đi lặp lại hành vi tìm kiếm và sử dụng, cuối cùng bất chấp hậu quả liên quan đến vấn đề sức khỏe, xã hội.

“Khi nghiện một điều gì đó mà có tính chất lặp đi lặp lại theo thời gian, lâu dần sẽ thay đổi cấu trúc não bộ, chứ không chỉ đơn thuần là ý chí nữa. Mỗi khi bạn làm một hành động nào đó được hiểu có lợi thì não sẽ tiết ra chất dopamine để khuyến khích tiếp tục việc đó trong tương lai. Phần vỏ não phụ trách cho việc tư duy logic, phản biện, kiểm soát hành vi, cảm xúc, nếu hành vi vô thức càng nhiều thì phần vỏ não càng yếu đi, khả năng kiểm soát hành vi của bạn bị giảm xuống” - ThS. BS Nguyễn Trung Nghĩa giải thích.

Các bạn trẻ ngày nay tìm đến công nghệ nhiều vì các bạn không tìm thấy sự kết nối  trong chính thế giới mình, hoặc stress nhưng không có ai để giãi bày. Nên có một người hỗ trợ các bạn hoặc chính các bạn tự ngộ ra và tự đối mặc với nó.

ThS. BS Nguyễn Trung Nghĩa đưa ra lời khuyên, việc ngăn cản, hạn chế công nghệ chỉ là một phần, điều quan trọng là cần có hành vi thay thế. Tức là chúng ta phải cố gắng lấp đầy khoảng thời gian của mình bằng những công việc cụ thể và được lên kế hoạch để thực hiện. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần luyện tập khả năng nhận biết tại thời điểm hiện tại tâm trí của mình chỉ tập trung vào đúng việc, điều này giúp nhận biết bản thân đang làm gì để từ đó có cách điều chỉnh phù hợp.

MC Quang Bảo nhận định, mục đích ra đời của công nghệ rất tốt nhưng phát triển công nghệ đi kèm với nhiều dịch vụ thì dần dần công nghệ không còn đi đúng với bản chất ban đầu.

“Chúng ta đang cố gắng kéo con người quay trở lại cuộc sống bình thường nhưng thực sự điều này không thể, bởi vì công nghệ là một phần của cuộc sống. Công nghệ xuất hiện giúp cho chúng ta tiết kiệm được thời gian, bên cạnh đó chúng ta làm được rất nhiều điều. Thay vì chúng ta cố gắng đi ngược lại số đông, tại sao chúng ta không cùng nhau nhắc nhở, chia sẻ cách để làm thế nào sử dụng công nghệ hiệu quả hơn”- MC Quang Bảo nhắn nhủ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm