Giải mã Bùi Giáng hoài không xong

Ngoài gia tộc họ Bùi, buổi tọa đàm có sự tham dự của các giáo sư và nhà nghiên cứu hàng đầu Việt Nam. Buổi tọa đàm đã ghi nhận nhiều câu chuyện độc đáo và tài năng khác thường của Bùi Giáng.

Làm gì cũng biến thành giai thoại

Nhà thơ Lê Minh Quốc đã nói tại hội thảo: “Bùi Giáng làm cái chi, đụng đến cái gì, như chuyện ông làm thơ, yêu ai, đến nhà ai… thì cũng biến thành giai thoại hay huyền thoại cả”.

GS Huỳnh Như Phương kể rằng có lần ông nhìn thấy Bùi Giáng nằm ngủ trên đống cát gần nhà, cạnh nhiều tờ bản thảo rơi vương vãi. Giáo sư muốn đánh thức ông dậy mời vào nhà hay nhặt giúp bản thảo thì ông như nhận biết xua tay bảo đi đi, đừng quấy rầy ông trong cái cõi của mình. Giáo sư nói: “Thử tưởng tượng, bữa nay Bùi Giáng nghe có tọa đàm về ông ở trường ĐH. Chắc ông sẽ lò dò đến đây, leo cầu thang đứng ngoài cửa ngó vào, nghe lấy một đôi câu, rồi hấp háy cặp mắt dưới cặp kính dày cộm mà lẩm bẩm: “Các cháu cứ ở đó mà tọa đàm đi, ông Bùi rong chơi tiếp đây”. Còn bác Bùi Hồng Quế, một độc giả ở tuổi 70, vốn là học trò của Bùi Giáng vào năm 1958 tại Sài Gòn, đã tìm đến tọa đàm để chia sẻ những câu chuyện về người thầy kỳ lạ của mình: “Thầy vô lớp không dạy gì mà nói đủ thứ chuyện lung tung như cánh chuồn chuồn, rồi gọi Thúy Kiều là em. Học thầy thì chắc thi không đậu nổi. Sau 1975 tôi gặp thầy tại chùa Già Lam như bộ dạng một cái bang. Lần khác tôi gặp thầy ở đường Nguyễn Văn Trỗi, đứng giữa làn xe cộ đang vung tay chỉ tùm lum. Tôi tính dắt thầy vô thì thầy bảo: “Để cho tao ổn định trật tự”. Lần khác nữa tôi bắt gặp thầy ngủ giữa đường trên đường Trần Huy Liệu. Và lần cuối cùng, tôi gặp thầy đang chầu chực trước cổng nhà nghệ sĩ Kim Cương ở đường Hoàng Diệu”.

15 năm ngày Bùi Giáng mất có là gì, bởi chẳng biết đến bao giờ lớp người hậu sinh mới giải mã được cái điên uyên bác và sang trọng bậc nhất dưới gầm trời của ông.

Với kỳ nữ Kim Cương, Bùi Giáng say mê bà một cách kỳ dị từ lúc bà mới 19 tuổi và ông trở nên nửa điên nửa tỉnh. Ông viết bài Cô Kim Cương ơi in trong tập Sa mạc phát tiết: “Nếu ngày sau tôi chết đi mà cô không thể giỏ cho một giọt nước mắt. Thì cô có thể giỏ cho một giọt nước tiểu cũng được”. Có lúc ông lại viết: “Hỡi mẫu thân Kim Cương! Mẫu thân hãy dừng cuộc đi tiểu trong một thời gian để suy ngẫm trở lại xem có thể tạo ra một vũ trụ khác để đi tiểu”.

Một thiên tài khó hiểu

Nhiều nhà nghiên cứu đã gọi Bùi Giáng là thiên tài. Song cũng có nhiều bản tham luận tại buổi tọa đàm bảo rằng văn thơ, tác phẩm, tư tưởng, triết lý của Bùi Giáng vô cùng khó hiểu, là một bí mật không thể giải mã trong thời đại hôm nay. Với nhiều người nghiên cứu về ông, ông vẫn là một người xa lạ. Mà nghiên cứu về Bùi Giáng thì theo TS Trần Hoài Anh, từ trước và sau năm 1975, từ lúc ông còn sống đến khi ông qua đời đã có rất nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước được thực hiện. Ngay tại buổi tòa đàm này, ý kiến nghiên cứu về Bùi Giáng cũng phong phú và trái ngược. Có người bảo ông sống giữa thực và mộng, giữa tỉnh và điên. Nhưng có người lại bảo ông vô cùng tỉnh táo, vô cùng đốn ngộ, luôn đi trước mọi người, nhìn ra sự minh triết, chân lý và bản chất cuộc sống nên ông sống rất hồn nhiên vô tư lự, chẳng mưu cầu bất cứ điều chi.

Phó GS-TS Nguyễn Thị Thanh Xuân đã lý giải về cuộc đời của thi sĩ Bùi Giáng ở góc độ ông hòa mình vào thiên nhiên, sống như thiên nhiên, quyết liệt chống lại những gì trái với tự nhiên. Theo TS Thanh Xuân, Bùi Giáng chống lý tính, chống sách vở, chống khái niệm, chống trường quy… nên cuộc sống và tác phẩm của ông tràn đầy cảm tính tự nhiên căn cốt. Tiến sĩ nói: “Ngày hôm nay tôi như thấy ông đứng cười, nháy mắt, tay nắm cánh cửa càn khôn khép, mở không ngừng. Ông là Bùi Giáng, người bản nhiên, người lay ta tỉnh thức”.

Có ai viết hoa Đi Tiểu và Vén Xiêm?

Thú vị và gây chú ý nhất tại tọa đàm là bài tham luận “Bùi Giáng chơi” của nhà văn, nhà nghiên cứu Phan Nhật Chiêu. Ông chỉ ra nhiều điều thú vị trong văn chương của Bùi Giáng như cách đảo chữ, cách nói lái; những cuộc rong chơi lu bù, điên đảo của ông trong đời thực như một gã du mục, một kẻ hành khất hay rong chơi trong chữ nghĩa vừa thanh tao thoát tục vừa nhục thế trần tục. Nhật Chiêu viết: “Trước cõi đời và mặt đất, thơ ông dâng lễ mừng, dâng lời tạ ơn. Ông gọi trần gian là lễ hội, thi sĩ xưa nay là những người trẩy hội trần gian… Giả như ta hỏi: Tại sao thế, thì có lẽ ông sẽ đáp rằng: Vì đời là rất mực thiêng liêng”. Nhưng thiêng liêng ở Bùi Giáng không là cái gì cách biệt với phàm tục. Do vậy ông thản nhiên viết: “Mở hai hàng cỏ tháng ba. Lễ là Đi Tiểu hội là Vén Xiêm”. Có ai viết hoa Đi Tiểu và Vén Xiêm như Bùi Giáng không, xin chỉ cho tôi!”

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới