Những ngày qua chính phủ Tổng thống Donald Trump liên tục có các bước đi cứng rắn về vấn đề Biển Đông, song song cả phát ngôn lẫn hành động.
Những năm qua Mỹ vẫn thường xuyên đưa tàu đến tuần tra tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông. Tuy nhiên việc Mỹ hồi tháng 6 đưa cùng lúc ba đội tàu sân bay đến tập trận khu vực Tây Thái Bình Dương và đến ngày 4-7 rồi điều hai trong số ba đội đến tiếp tục tập trận ở Biển Đông là một diễn biến lớn. Đông thái này chưa từng xảy ra ở Biển Đông trong ba năm qua.
Với phát ngôn của Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 13-7, Mỹ cuối cùng cũng đã chính thức tuyên bố rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý. Mỹ ra tuyên bố này phải đến bốn năm sau khi Tòa Trọng tài có phán quyết không công nhận các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Các diễn biến này đặt ra câu hỏi tại sao, với chỉ còn sáu tháng của nhiệm kỳ hiện tại, Ngoại trưởng Pompeo nói riêng và chính phủ Tổng thống Trump nói riêng lại có bước đi cứng rắn này.
Hai đội tàu sân bay tấn công USS Ronald Reagan và USS Nimitz của Hải quân Mỹ di chuyển trên Biển Đông ngày 6-7. Ảnh: AP
Trong một bài viết đăng trên báo South China Morning Post (Hong Kong), nhà ngoại giao Mỹ Brian P. Klein đã có những lý giải về điều này. Ông Klein từng làm việc trong Đại sứ quán Mỹ ở Trung Quốc, chịu trách nhiệm phân tích các lĩnh vực tương tác kinh tế khu vực, thương mại, đầu tư, chính sách năng lượng của Trung Quốc. Ông Klein là người sáng lập và là Tổng Giám đốc công ty tư vấn chiến lược và rủi ro chính trị Decision Analytics (New York).
Theo ông Klein, có hai lý do chính lý giải cho việc chính phủ ông Trump quyết định đi bước rắn ở Biển Đông thời điểm này. Một là thông qua bước đi này nâng cao uy tín của ông Trump trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 tới. Hai là gây bất lợi cho Trung Quốc trong quan hệ với các nước khu vực, từ đó đảm bảo hơn vị thế của Mỹ ở khu vực. Nếu Trung Quốc có động thái đối đầu thì điều này sẽ chỉ gặp phản ứng mạnh từ khu vực.
Ông Klein cho rằng đi bước rắn với Trung Quốc về Biển Đông là một trong những biện pháp mà đội tranh cử của ông Trump viện đến để tăng uy tín vị đương kim tổng thống này và làm giảm ưu thế của đối thủ Joe Biden.
Trước khi có bước đi rắn về Biển Đông, chính phủ ông Trump cũng đã có hàng loạt động thái quyết liệt với Trung Quốc: áp thuế quan, trừng phạt quan chức liên quan vụ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, trừng phạt liên quan việc ban hành luật an ninh quốc gia mới lên Hong Kong…
Bên cạnh đó, động thái này của chính phủ ông Trump cũng là một phần của nỗ lực khuyến khích châu Á chống lại các hành động hiếu chiến của Trung Quốc.
Mỹ và Úc đã triển khai tàu chiến đến gần một tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 Trung Quốc theo đuôi một tàu thăm dò của Malaysia. Tại hội nghị cấp cao ASEAN vừa rồi nhiều nước thành viên đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về các cuộc tập trận hàng hải của Trung Quốc. Ấn Độ có kế hoạch mời Úc tham gia tập trận hàng hải chung, nhằm mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ông Klein dự báo sự căng thẳng và đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục chừng nào chưa bên nào chịu xuống thang trước.
Ngày 20-7, Trung Quốc cảnh báo Mỹ không được có bất kỳ hành động leo thang quân sự nào nữa ở Biển Đông. Cùng ngày, tờ Hoàn cầu thời báo xác nhận Bắc Kinh đã gửi một lữ đoàn và nhiều tàu chiến đến cái mà nước này gọi là quần đảo Tam Sa (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép). Số tàu chiến và lữ đoàn này có kế hoạch thực hiện tập trận tấn công hàng hải với hình thức bắn đạn thật, phản ứng với việc Mỹ gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông. “Nếu sự khiêu khích quân sự của Mỹ ở Biển Đông vẫn tồn tại, Trung Quốc có thể không có lựa chọn nào khác là phải tập trận thêm, cũng như triển khai thêm tàu chiến và máy bay chiến đấu đến Biển Đông” – Hoàn cầu thời báocảnh báo. Hoàn cầu thời báo còn ám chỉ đến việc Trung Quốc có thể lập các vùng nhận dạng phòng không ở những khu vực mà nước này cho là lãnh thổ của mình. |