Tôi xin đề xuất như thế sau khi đọc bài “Xóa tên 320 LS: Không kỷ luật thì là gì?” (Pháp Luật TP.HCM ngày 5-1) nêu ý kiến về việc Đoàn LS TP.HCM xóa tên 320 LS không đóng phí liên đoàn và phí thành viên liên tục nhiều năm.
Đã có nhiều LS đồng tình với tôi rằng Điều 40 Điều lệ Liên đoàn LS 2015 quy định việc “kỷ luật đối với LS” đã được thiết kế thiếu chặt chẽ. Cụ thể là điều lệ này đã nhập nhằng “nhốt” các LS không đóng đủ phí chung với các LS có sai phạm bị kỷ luật. Nếu xác định việc không đóng phí tuy có vi phạm nghĩa vụ của LS nhưng chưa đến mức bị kỷ luật thì điều lệ cần tách ra một quy định riêng để điều chỉnh cho thích hợp.
Theo tôi, Luật LS và Điều lệ Liên đoàn LS nên sử dụng từ “khai trừ” để phân định rõ việc kỷ luật LS với các hình thức xử lý khác. Trong việc kỷ luật LS thì hình thức cao nhất sẽ là khai trừ (hiểu theo nghĩa là đưa ra khỏi tổ chức, không công nhận là một thành viên nữa). Trường hợp không đóng đủ phí trong hạn quy định (hay có lý do khách quan, chính đáng để không còn là thành viên của đoàn như: không còn hành nghề, không còn ở Việt Nam, chuyển sang đoàn LS khác, đã mất…) thì sẽ là xóa tên. Như vậy, xóa tên có thể vừa là một biện pháp chế tài dành cho vi phạm nhẹ, vừa là động tác hành chính bình thường để bảo đảm tính hợp lý của danh sách đoàn.
Theo đó, nếu bị khai trừ thì hậu quả là bị thu hồi ngay chứng chỉ hành nghề LS, thẻ LS và việc gia nhập lại cần nhiều thời gian hơn (như theo điều lệ hiện hành là phải ba năm kể từ ngày quyết định kỷ luật mức cao nhất có hiệu lực). Trường hợp bị xóa tên do lỗi không đóng phí thì có thể chỉ bị thu hồi thẻ và sẽ được kết nạp lại nhanh hơn so với trường hợp bị khai trừ…