Giải pháp để khơi thông ách tắc vốn đầu tư công

Để giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả - Bài cuối

Giải pháp để khơi thông ách tắc vốn đầu tư công

(PLO)- Việc rút ngắn 30% thời gian giải quyết thủ tục đối với các dự án đầu tư công của TP.HCM được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho việc giải ngân vốn sắp tới.

Rút kinh nghiệm trong việc lập dự án, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong đó quan trọng nhất là kỷ luật tiến độ, quy trách nhiệm rõ ràng cho chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị tham gia thực hiện dự án… Đó là những giải pháp theo các chuyên gia là cần có và cần thực hiện ngay để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.

Giải ngân vốn đầu tư công
Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng cầu đường Tân Kỳ Tân Quý được khởi động lại sau nhiều năm dở dang. Ảnh: NHƯ NGỌC

PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia kinh tế, giảng viên Học viện Tài chính:

23-p9-dinhtrongthinh.jpg


Cần rút kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch đầu tư

Việc giải ngân vốn đầu tư phải đi chung với nhiều vấn đề. Trước hết là chuẩn bị tốt ngay từ khâu lập kế hoạch đầu tư, lập dự án phải đúng theo thủ tục, trình tự đảm bảo các quy trình.

Với mỗi dự án mới, việc tập trung các nhà thầu có đủ điều kiện để thi công, hoàn thành là rất quan trọng. Khi triển khai phải xem xét nguồn lực để tập trung dứt điểm từng dự án. Nếu không càng kéo dài càng ảnh hưởng đến giải ngân.

Thêm nữa, việc giải phóng mặt bằng cũng là một trong những công việc khó khăn. Hiện nay, các luật Đất đai 2024, Kinh doanh bất động sản… có hiệu lực từ ngày 1-8 rõ ràng sẽ làm cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thuận lợi hơn. Từ đó có cơ hội đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Ngoài ra, cơ chế phối hợp giữa các sở, ban ngành, địa phương cũng cần củng cố hơn nữa để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Thủ tục dự án nhanh, gọn sẽ tạo thuận lợi cho công tác giải ngân vốn đầu tư công.

TS VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó KTS trưởng TP.HCM:

23-p9-vokimcuong.jpg

Kỷ luật tiến độ là rất quan trọng

Trong quản lý dự án, ngoài quản lý tài chính còn có quản lý kỹ thuật, tiến độ, trong đó kỷ luật tiến độ là một nội dung rất quan trọng.

Thường các nơi triển khai dự án nói chung rất dễ thả trôi tiến độ, vì vậy theo tôi, cần phải kiên quyết vạch ra, theo dõi và bám tiến độ. Việc giám sát không chỉ để nhắc nhở về thời gian mà còn quản lý được rủi ro, khúc mắc và xử lý kịp thời, gỡ được các khó khăn, vướng mắc. Từ đó đẩy nhanh tiến độ thủ tục hành chính để giải ngân vốn đầu tư công.

Hiện nay, các địa phương, trong đó có TP.HCM, đang trong quá trình điều chỉnh đồ án quy hoạch chung. Thực tế, trong quá trình triển khai dự án, một số nơi vẫn có tâm lý chờ đợi quy hoạch. Theo tôi, việc này là không cần thiết. Quy hoạch chung thì chỉ là định hướng và cái gì phù hợp định hướng thì chúng ta cứ làm, đặc biệt là ở các địa phương.

Bởi chờ quy hoạch thì không biết đến bao giờ và lâu nay có hai quan điểm. Một là coi trọng quy hoạch, nhất nhất phải theo, hai là quy hoạch chỉ dự báo, định hướng. Tôi theo quan điểm thứ hai.

Vì sao quy hoạch chỉ là định hướng? Vì có dự án thay đổi kinh tế - xã hội của địa phương thì có thể đề xuất và đôi khi dự án đó cũng làm thay đổi cả quy hoạch địa phương. Nhà đầu tư thấy dự án khả thi, Nhà nước thấy dự án đó phù hợp, đóng góp phát triển địa phương thì bổ sung quy hoạch.

Lâu nay, một trong những vướng mắc lớn khi triển khai các dự án là vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tôi cho rằng vấn đề này sẽ được giải quyết đáng kể khi Luật Đất đai 2024 đã chính thức có hiệu lực. Khi có luật mới, giá đất mới, giá bồi thường mới sẽ phù hợp và hợp với lòng dân hơn, hài hòa lợi ích cộng đồng. Vì thế có thể đẩy nhanh tiến độ các công trình phục vụ cho TP, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

TS TRẦN QUANG THẮNG, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM:

23-p9-tranquangthang.jpg

TP.HCM đặt mục tiêu giải ngân 95%

TP.HCM được Chính phủ giao 79.000 tỉ đồng vốn đầu tư công. Đến nay, TP chỉ mới giải ngân được 12.392 tỉ đồng, đạt 15,6% tổng vốn được giao. Kết quả này thấp hơn tỉ lệ trung bình của cả nước và thấp hơn mục tiêu TP đề ra trong sáu tháng đầu năm. Tới đây, TP.HCM sẽ giải ngân theo từng mốc thời gian để hết quý III và quý IV phải đạt 95% và tập trung phân cấp ủy quyền để quyết định đầu tư cho các dự án sắp tới.

Có chế tài xử lý nghiêm chậm giải ngân vốn đầu tư công

Để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm, theo tôi, có thể xem xét một số giải pháp. Trong đó đảm bảo các bộ, ngành, địa phương tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về giải ngân vốn đầu tư công. Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần chịu trách nhiệm rõ ràng và có chế tài xử lý nghiêm khắc nếu vi phạm tiến độ.

Luật Đất đai 2024 sẽ giúp cải thiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đẩy nhanh tiến độ dự án. Vì vậy, cần tận dụng các quy định mới để giải quyết nhanh chóng các vướng mắc về đất đai, tài nguyên. Ngoài ra, cần phân bổ vốn tập trung vào các dự án có tính khả thi cao và có khả năng hoàn thành trong năm, tránh phân bổ vốn dàn trải, thiếu tập trung.

Hợp tác chặt chẽ với các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để hài hòa hóa thủ tục và đẩy nhanh tiến độ các dự án đã cam kết.

Đào tạo và nâng cao năng lực cho các ban quản lý dự án, chủ đầu tư và nhà thầu để đảm bảo chất lượng và tiến độ thi công. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án. Ngoài ra, việc buộc chủ đầu tư cam kết số lượng giải ngân đầu tư công hằng tháng.

Việc này có thể khiến chủ đầu tư gặp áp lực lớn trong việc đảm bảo tiến độ giải ngân, đặc biệt khi gặp phải các vấn đề ngoài tầm kiểm soát như thời tiết, thủ tục pháp lý hoặc thiếu hụt nguồn lực.

Áp lực giải ngân có thể dẫn đến việc chủ đầu tư cố chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng, gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Không phải lúc nào chủ đầu tư cũng có đủ nguồn lực tài chính để đáp ứng cam kết giải ngân hằng tháng, đặc biệt với các dự án lớn và phức tạp. Vì vậy, chính quyền cần có các biện pháp hỗ trợ kịp thời chủ đầu tư trong việc giải quyết các khó khăn phát sinh và đảm bảo chất lượng công trình.•

TP.HCM: Năm giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng còn lại của năm 2024 (từ 95% trở lên), UBND TP đang tập trung thực hiện đồng bộ năm giải pháp.

Thứ nhất, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Thủ tướng giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án có vướng mắc pháp lý vượt ngoài thẩm quyền của TP để giải ngân số vốn đã cân đối cho các dự án này. Chủ động có phương án điều chuyển tạm số vốn cân đối cho các dự án này để bố trí cho các dự án khác có thể giải ngân ngay trong thời gian chờ các bộ, ngành và cơ quan có liên quan xử lý vướng mắc cho dự án.

Thứ hai là khẩn trương giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc ngay đối với các dự án đang chậm thủ tục đầu tư đã được nêu cụ thể nội dung cần giải quyết, tháo gỡ và mốc thời gian phải hoàn thành tại các văn bản chỉ đạo theo tinh thần quyết liệt, chủ động.

Thứ ba là rút ngắn 30% thời gian giải quyết thủ tục đối với các dự án đầu tư công; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp chậm trễ.

Thứ tư là thủ trưởng các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc TP tập trung chỉ đạo các nhà thầu, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện; trực tiếp kiểm tra, giám sát, bám sát tiến độ dự án và tiến độ giải quyết các thủ tục liên quan của các sở, ngành; kịp thời báo cáo tiến độ thực hiện cho UBND TP để đôn đốc, giám sát và chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc kịp thời, đảm bảo tiến độ.

Thứ năm, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Nhất là các dự án quan trọng, có số vốn giải ngân lớn và dự kiến sẽ tổ chức các đoàn giám sát về giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án này theo các cấp độ quản lý.

Đọc thêm