Âu đó cũng là một sự phân công trên quy mô toàn cầu. Nhưng do nhiều yếu tố đặc thù, nhất là những bất cập trong quản lý, loại hình này vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ, lợi bất cập hại. Chẳng hạn ở Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Kenya,… có những nhà máy xử lý rác điện tử nhưng vẫn xảy ra tình trạng nhập rác điện tử từ nước ngoài vào xử lý bất hợp pháp.
Ai cũng hiểu là việc tái chế các thiết bị điện tử, đặc biệt là các sản phẩm cao cấp, có thể thu hồi được những vật liệu đáng giá để tái sử dụng, vừa bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm nguồn tài nguyên, vừa giảm giá thành sản phẩm. Thực tế là rác điện tử bên cạnh những chất độc hại còn có những loại vật liệu có giá trị và thậm chí là hiếm. Các chuyên gia ước tính có thể có tới 60 nhân tố chứa trong những thiết bị điện tử phức tạp. Riêng ở Mỹ, có báo cáo nói rằng có tới 70% số lượng kim loại nặng ở các bãi rác là từ rác điện tử.
Một chương trình tuyên truyền về thu hồi rác thải điện tử ở TP.HCM. Ảnh: M.HOÀNG
Ở các nước công nghiệp phát triển, nhà chức trách có những quy định nghiêm ngặt về rác điện tử. Ngày càng có thêm nhiều nước trên thế giới cấm nhập khẩu rác điện tử. Vấn nạn rác điện tử không chỉ là nỗi đau đầu của các cơ quan toàn cầu (như ở cấp Liên Hiệp Quốc), mà còn là vấn đề nan giải ở các cấp khu vực. Việc xử lý rác điện tử phải có chiến lược toàn cầu, được kiểm soát và điều phối nhịp nhàng từ cấp quốc tế tới khu vực và từng quốc gia, từng địa phương. Ở cấp trực tiếp, mỗi quốc gia và mỗi địa phương cần có các biện pháp để xử lý rác thải điện tử cho chính mình.
Riêng ở Việt Nam, ngay trước mắt bất cứ ai cũng thấy những bãi rác công nghệ, rõ nhất có chợ công nghệ cũ, còn nhỏ hơn là các cửa hàng kinh doanh với đủ thứ hàng công nghệ hết đát. Đó là chưa kể những bãi rác vẫn nằm đâu đó mà rất ít người được chiêm ngưỡng. Từ năm 2015, Nền tảng Tái chế Việt Nam (Vietnam Recycling Platform - VRP), một liên minh gồm các nhà sản xuất thiết bị điện-điện tử hàng đầu, được thành lập nhằm giảm thiểu rác thải điện tử, tăng cường tái chế và kiểm soát tác động đến môi trường, sức khỏe và an toàn cho sản phẩm vào cuối vòng đời sử dụng. Trong hai năm nay, ở giai đoạn thử nghiệm, chương trình Việt Nam Tái chế thuộc VRP đã cung cấp dịch vụ thu hồi rác điện tử cho các cơ quan, tổ chức nhà nước và khách hàng doanh nghiệp tại khu vực Hà Nội và TP.HCM. Chỉ tiếc là tới nay VRP vẫn chỉ có ba thành viên từ đầu là HP, Apple và Microsoft.
Rõ ràng Nhà nước cần phải có các biện pháp quản lý chặt chẽ và xử lý mạnh mẽ đối với việc xử lý rác điện tử. Các nhà sản xuất và kinh doanh hàng điện tử đều phải có phương án thu hồi rác điện tử của mình. Nguồn nhập khẩu rác điện tử giờ đây không chỉ có các container chứa các thiết bị điện tử bị thải loại hay đã qua sử dụng, mà còn là hằng hà sa số thiết bị điện tử rẻ tiền. Một sự cảnh báo hoàn toàn cần thiết.