Soạn giả Nguyễn Phương qua đời ở tuổi 98

Soạn giả Nguyễn Phương tên thật là Nguyễn Văn Hòa. Ông sinh ngày 1-7-1922 ở làng Điều Hòa, Mỹ Tho (Tiền Giang).

Ông tốt nghiệp trường Bách nghệ Sài Gòn năm 1940, sau đó ông đi học tiếp ở Hà Nội, trường Kỹ Thuật Chuyên Nghiệp 2 năm.

Soạn giả Nguyễn Phương nổi tiếng từ sân khấu cải lương, kịch nói cho đến điện ảnh với nhiều kịch bản hay. Ảnh tư liệu

Năm 1943 ông được bổ nhiệm làm cho Sở Bưu Điện ở Sài Gòn, phòng kỹ thuật. 

Từ năm 1948 cho tới năm 1989, ông bỏ luôn nhiệm sở theo gánh hát liên tục hơn 40 năm, ông học viết tuồng rồi trở thành soạn giả.

Soạn giả Nguyễn Phương từng hợp tác với nhiều đoàn, gánh hát như: Ánh Sáng, Tiếng Chuông, Việt Kịch Năm Châu, Kim Thoa, Thanh Minh, Thanh Minh Thanh Nga, Dạ Lý Hương.

Ông cũng từng là Trưởng ban Cải lương, ban Phương Nam - Đài Phát thanh Sài Gòn; Trưởng ban Kịch Phương Nam - Đài Truyền hình ở miền Nam.

Sau năm 1975 ông là chuyên viên kỹ thuật sân khấu của các đoàn hát Thanh Nga, rồi Sài Gòn 3, đoàn Phước Chung, đoàn Hương Nam, đoàn Sài Gòn 2. 

Ông sáng tác hơn 100 vở tuồng cải lương, có thể kể đến như: Đôi mắt người xưaBọt biểnNgã rẽ tâm tìnhTình xuân muôn thuởChén trà của quỷBóng chim tăm cá

Ông soạn kịch cho các ban kịch như: Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Kịch Sống Túy Hồng. Soạn giả Nguyễn Phương còn viết các truyện phim như: Triệu phú bất đắc dĩCon ma nhà họ HứaChàng ngốc gặp hênLẽ sống đời tôiLệnh bà xã.

Năm 1989, ông định cư ở Canada cho đến khi qua đời. 

Năm 2000, soạn giả Nguyễn Phương xuất bản Ngũ đại gia của sân khấu cải lương.

Năm 2005, ông tiếp tục xuất bản hồi ký Buồn vui đời nghệ sĩ gồm 24 truyện ngắn liên quan đến các nghệ sĩ Hùng Cường, hề Thanh Việt, Bà Năm Sa Đéc, kép độc Trường Xuân, kép mùi Thanh Cao, hề Tám Củi, quái kiệt Ba Vân, hề Lập, Diệu Hiền, Hồng Nga, Phượng Mai… với giọng văn dí dỏm rất Nam bộ.

Soạn giả Nguyễn Phương có duyên kể chuyện về đời tư nghệ sĩ. Ông đã viết hồi ký Buồn vui đời nghệ sĩ về chân dung nghệ sĩ rất dí dỏm. Ảnh tư liệu

Soạn giả Nguyễn Phương nói về việc viết cuốn hồi ký này: “Viết hồi ký Buồn vui đời nghệ sĩ, tôi ghi lại những kỷ niệm của một thời mà tôi lang thang trên bước đường nghệ thuật sân khấu...

Vì vậy, trong tập hồi ký này, chuyện của các bạn nghệ sĩ đồng nghiệp của tôi chiếm một số trang quan trọng, tôi là người chứng kiến và cũng là người cùng chung số phận, cùng chia sẻ với các bạn đó những nỗi vinh, nhục của nghề hát cải lương”

Có điều trùng hợp ông sinh ngày 1-7 và cũng mất đúng ngày này.

NSND Kim Cương đánh giá về sự nghiệp soạn giả Nguyễn Phương: "Bút lực của soạn giả Nguyễn Phương rất mạnh, ông viết hăng hái lắm, đa dạng đề tài, tư duy rất tốt và có bố cục chặt chẽ, văn phong rất đời. Ông chuyên bám vào thời sự xã hội để sáng tác, nên kịch bản từ cải lương đến kịch, phim đều thấm thía tính nhân văn". 

 Trích đoạn "Đôi mắt người xưa" của soạn giả Nguyễn Phương do nghệ sĩ Thanh Nga, Hữu Phước và Ngọc Giàu thể hiện. Nguồn: Youtube

Soạn giả Nguyễn Phương kể về duyên ông theo nghề hát cải lương

Tháng 1-2019, soạn giả Nguyễn Phương đã kể lại câu chuyện kỷ niệm buổi lên sân khấu hát đầu tiên trong đời bằng bài thơ. Chúng tôi xin lược trích:

Phường hát đêm nay qua chợ nhỏ,
Một đêm mưa gió, rất thưa giàn,
Vé không bán được, cho vào hết,
“Thả cửa” thêm đông dễ kéo màn!

Đêm ấy lần đầu anh được đóng
Vai chàng nho sĩ rất si tình,
Dám yêu công chúa trên lầu ngọc,
Để ốm tương tư, xót nỗi mình.

Vỡ mộng, lời tim lên nức nở,
Nghiêng màu tê tái xuống lời ca,
Hơi ngân chưa dứt, tình tan lệ,
Buông lớp, anh còn nghe xót xa!

Tay vịn cánh gà, mi ngấn lệ,
Có cô gái lạ khóc theo tuồng!
Anh nhìn – đôi má hồng e thẹn,
Nàng vội len ra cửa hậu trường!

Bến quạnh trăng về lạnh gió sương…

Bài thơ tình đầu tiên của tôi viết nhưng vẫn không dám nói thẳng với đối tượng mà tôi yêu… Tôi đi vòng quanh qua hình ảnh của một cô gái lạ nào đó… Cho hay cái buổi đầu mộng mơ sao mà kỳ vậy?

70 năm qua. Bước đầu bỡ ngỡ…" (Soạn giả Nguyễn Phương)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm