“Rạp chiếu bóng của thanh xuân” là chủ đề của Quán thanh xuân (QTX) tháng 7 sẽ phát sóng trên VTV1 vào 20 giờ 40 phút ngày 7-7-2019.
Với thông điệp, Niềm đam mê điện ảnh, nhu cầu chia sẻ - đó là điều không thay đổi qua thời gian, QTX sẽ ngược về quá khứ những năm 60-70 của thế kỷ trước, người ta gọi đi xem phim rạp bằng nhiều tên khác nhau. Xem chớp bóng là cách gọi phản chiếu vẻ tò mò, ngơ ngác của người nông dân về thế giới điện ảnh ma mị, quyến rũ.
Trong gần nửa thế kỷ, kể từ cuối thập niên 1950, Hà Nội lần lượt có tới gần 20 rạp chiếu thuộc quản lý của nhà nước. Những cái tên như Đại Đồng, Đại Nam, Mê Linh, Kinh Đô, Dân Chủ, Majestic (Tháng Tám), Kim Đồng, Ngọc Khánh, Sinh Viên, Đặng Dung, Bạch Mai, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia… được ví như thiên đường của những người yêu phim.
Sân khấu của Quán thanh xuân số 7.
Thời kỳ đầu, các phim được chiếu chủ yếu là phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam như Chị Tư Hậu, Chung một dòng sông, Ngày lễ Thánh… hay những bộ phim của Liên Xô, Tiệp Khắc cũ.
Trong Sài Gòn, con số thống kê là khoảng 60 rạp với những cái tên như Catinat, Đại Đồng, Đại Nam, Eden, Khải Hoàn, Kinh Đô, Lê Lợi, Long Phụng, Long Vân, Mini Rex, Nguyễn Văn Hảo, Quốc Thanh, Thanh Bình, Vĩnh Lợi, Cao Đồng Hưng, Đại Đồng, Văng Lang, Cathay, Cây Gõ, Kim Châu, Kinh Đô, Lệ Thanh, Minh Phụng, Palace, Đồng Khánh, Phi Long…
Xi-nê Sài Gòn có một truyền thống phải nói là độc đáo với các tờ program (chương trình) phát cho khán giả khi đến mua vé xem phim. Trên tờ program của phim, khán giả có thể đọc để biết đại khái nội dung phim và tên các tài tử trong phim. Dân ghiền xi-nê có thú sưu tầm program.
NSND Trà Giang.
Điểm nhấn của chương trình là sự xuất hiện của khách mời đặc biệt - NSND Trà Giang, một trong nữ diễn viên nổi tiếng nhất trên màn ảnh rộng Việt Nam thập niên 70, 80 của thế kỷ 20.
Khán giả sẽ được gặp NSND Trà Giang cả trên sân khấu Quán thanh xuân tháng 7 và trong bộ phim Chị Tư Hậu (đạo diễn Phạm Kỳ Nam). Năm ấy Trà Giang 20 tuổi, bước vào vai chị Tư Hậu suýt soát 40, đằm thắm, chững chạc, là một thử thách không nhỏ, nhưng từ đó Trà Giang đã thành danh rực rỡ.
Cái vốn liếng mà Trà Giang mang vào phim chính là ký ức tuổi thơ nơi vùng chiến tranh ác liệt: "Tôi nhớ những trận càn, những trái bom nổ tung, những gia đình ly tán... Ba tôi hoạt động cách mạng ở Phan Thiết, bọn Tây bắt không được nên tới bắt mẹ tôi. Lúc đó em trai tôi còn ẵm ngửa, tôi và anh hai thì nhỏ xíu, sợ hãi khóc òa lên nhìn theo chiếc xe chở mẹ đi thật xa. Rồi cả ba anh em lại đứng trước cửa nhà dõi theo từng chiếc xe chạy ngang đường, vì người ta hứa sẽ trả mẹ về nên thấy chiếc xe nào cũng tưởng có mẹ mình trong đó. Chính cảm xúc ấy giúp tôi thể hiện lại chị Tư Hậu trong một bối cảnh chiến tranh tương tự".