Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 72 ngày 6-5-2023 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo đó, Chính phủ nhất trí với đề xuất của Bộ Tài chính về giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, sau đó trình Quốc hội thông qua. Thời gian áp dụng từ ngày 1-7 đến hết 31-12.
Tiếp sức doanh nghiệp lẫn người dân
Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Agrex Sài Gòn, cho biết việc giảm thuế VAT 2% sẽ có tác dụng rất lớn, tác động tới tổng cầu. Về phía người tiêu dùng, sẽ tiết kiệm được phần nào chi tiêu khi giá cả hàng hóa ổn định. Còn về phía doanh nghiệp (DN), chi phí nguyên liệu đầu vào thấp hơn, kiểm soát được giá thành sản xuất, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
“Đây là một chính sách hợp lý, cần duy trì trong bối cảnh kinh tế hiện nay và thời gian tới” - ông Long đánh giá.
Các chuyên gia cho rằng cần kéo dài thời gian giảm thuế VAT để kích cầu tiêu dùng. |
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cũng bày tỏ sự vui mừng khi chính sách giảm thuế VAT sắp tới được triển khai. Thuế VAT nằm trong giá, khi giảm 2% thuế VAT sẽ giảm giá bán hàng hóa, dịch vụ, kích thích tiêu dùng, giúp DN bán được nhiều hàng hơn.
“Việc giảm thuế VAT có thể khiến giảm thu ngân sách nhưng mặt được lợi có thể sẽ lớn hơn nhiều. Bởi giảm thuế VAT sẽ giúp tăng thu các khoản thuế khác như thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân; kích thích tiêu dùng, mua sắm… góp phần kích thích nền kinh tế” - bà Chi chia sẻ.
Cần đảm bảo người tiêu dùng được hưởng lợi
Theo luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa thuộc Hiệp hội DN TP.HCM, thuế VAT là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, DN chỉ thu hộ số thuế này cho Nhà nước. Do vậy, khi giảm thuế VAT, giá cả hàng hóa sẽ giảm.
Việc giảm giá thấy được rõ nhất ở những nơi bán hàng hóa có hóa đơn, chứng từ rõ ràng như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... Trong khi đó, ở những nơi như chợ truyền thống, tạp hóa... có lẽ phải cần thời gian để mặt bằng giá giảm dần.
Luật sư Nghĩa cho biết có chuyên gia đề xuất Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế nên có truyền thông thật tốt về chính sách giảm thuế VAT để người dân nắm. Đồng thời yêu cầu bên bán hàng hóa, dịch vụ phải áp dụng đúng thuế suất theo như Chính phủ đã giảm cho người tiêu dùng.
“Phải có giải pháp để đảm bảo người tiêu dùng được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế này. Người tiêu dùng cần thấy rõ được hàng hóa, dịch vụ phải có mức giảm bằng với mức giảm thuế VAT. Đơn cử như khi mua hàng hóa, dịch vụ ở siêu thị hay những đơn vị có xuất hóa đơn, người tiêu dùng sẽ được giảm thuế trực tiếp trên hóa đơn mua hàng” - ông Nghĩa góp ý.
Cần kéo dài giảm thuế VAT qua năm 2024
Dù hoan nghênh việc giảm thuế VAT để kích cầu tiêu dùng nhưng nhiều DN, chuyên gia cho rằng việc áp dụng chính sách giảm 2% thuế VAT chỉ trong sáu tháng là quá ngắn, chưa giúp tác động nhiều đến nền kinh tế.
Đại diện một hệ thống bán lẻ tại TP.HCM cho biết: Để áp dụng thay đổi mức thuế VAT phải tốn thời gian chuẩn bị về thay đổi hóa đơn, giá bán, làm việc với đơn vị cung ứng.
“Còn sáu tháng cuối năm, thời gian quá ít để tác động kéo sức mua tăng lên. Chính sách cần áp dụng ít nhất trong một năm kéo dài sang tháng 6-2024 hoặc nếu được, ngành chức năng nên cho kéo dài đến hết năm 2024 vì dự báo tình hình kinh tế sẽ còn khó khăn” - đại diện hệ thống bán lẻ kiến nghị.
Đồng tình, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng Quốc hội có thể xem xét sớm ban hành nghị quyết giảm thuế VAT ngay trong tháng 5, áp dụng trong tháng 6 thì sớm được trước một tháng so với dự kiến (ngày 1-7).
Theo ông Thịnh, chính sách cũng có độ trễ để thẩm thấu vào thực tế. Vì vậy cần kéo dài thời gian áp dụng giảm thuế VAT, có thể trong 12 tháng để có thể mang lại hiệu quả thiết thực là hỗ trợ người dân, DN, thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất.
“Cần thời gian để thông tin, tuyên truyền về việc giảm thuế VAT cho người dân, DN. Cần thời gian tương đối ổn định để DN có phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Vì vậy, chính sách giảm thuế VAT có thể xem xét kéo dài một năm hoặc sang hết năm 2024 để chính sách mang lại hiệu quả thực sự, kích cầu tiêu dùng, kích thích DN sản xuất” - ông Thịnh chia sẻ.
Ngoài giảm thuế, cần thêm những giải pháp khác
Giảm 2% thuế VAT tưởng nhỏ nhưng tác động rất lớn đến nền kinh tế, vừa giúp DN giảm chi phí sản xuất vừa ổn định giá cả, ổn định chi tiêu cho người dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế không mấy khả quan, DN khó khăn, người dân giảm thu nhập thì các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy nền kinh tế cần phải phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng mới có thể mang lại hiệu quả, tạo động lực tăng trưởng thực sự.
Ví dụ giá xăng vừa điều chỉnh giảm, đây thực sự là thông tin tích cực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, trong thời điểm nắng nóng này, chi phí tiêu thụ điện tăng, giá điện lại thông báo tăng thì có phù hợp hay không? Ngành điện có thể xem xét tăng vào thời điểm sau tháng 6 khi mùa mưa tới, lượng tiêu thụ điện giảm.
Do đó, để ổn định sản xuất, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng thì Chính phủ cần thêm những giải pháp khác nữa ngoài giảm thuế VAT. Cụ thể, giảm lãi suất hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh, cho DN.
Ngoài ra, để nền kinh tế vận hành tốt trở lại, quan trọng là đẩy nhanh giải ngân các dự án đầu tư công, phát triển hạ tầng. Nếu dự án đầu tư công, chủ yếu là hạ tầng giao thông đẩy mạnh, triển khai tốt thì tăng lưu thông hàng hóa, giảm chi phí vận chuyển, kích thích giao thương liên kết các vùng, thúc đẩy du lịch, dịch vụ…
TSLÊ BÁ CHÍ NHÂN, chuyên gia kinh tế