Giảm 50%-90% nhiều loại phí: Rất cần thiết cho doanh nghiệp

(PLO)- Những khoản phí, lệ phí được giảm sẽ góp phần giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí đầu tư, sản xuất trong thời điểm khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong dự thảo thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN), Bộ Tài chính đề xuất giảm thu 50%-90% của 35 khoản phí, lệ phí trong nhiều lĩnh vực. Các chuyên gia đánh giá việc giảm phí, lệ phí sẽ góp phần giảm gánh nặng cho DN trong thời điểm khó khăn này.

Doanh nghiệp phấn khởi

Nhiều ý kiến đánh giá cao đề xuất của Bộ Tài chính khi giảm nhiều khoản phí, lệ phí liên quan trực tiếp đến “túi tiền” của DN lúc này.

Ông Tạ Quang Hùng, Giám đốc marketing chuỗi hệ thống karaoke Kingdom tại TP.HCM, cho biết theo quy định PCCC thì các phòng karaoke phải đập đi làm lại, vì các vật liệu thi công, thiết kế phòng phải đáp ứng các tiêu chuẩn chống cháy… Trong khi hiện nay dòng vốn DN gặp khó sau thời gian dài đóng cửa.

Lĩnh vực an toàn thực phẩm được Bộ Tài chính đề xuất giảm đến 90% phí. Ảnh: Q.HUY

Lĩnh vực an toàn thực phẩm được Bộ Tài chính đề xuất giảm đến 90% phí. Ảnh: Q.HUY

Ông Hùng cho rằng với đề xuất của Bộ Tài chính giảm 50% phí thẩm định phê duyệt thiết kế PCCC, phí kiểm định các phương tiện PCCC sẽ giúp DN giảm bớt gánh nặng chi phí đầu tư đập đi xây lại cơ sở theo đúng quy định.

Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Agrex Sài Gòn, cho rằng việc tăng giá điện, nước, những khoản chi phí trực tiếp hằng ngày sẽ tác động lớn, lập tức tới nền kinh tế cũng như tới người dân, DN. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước nên tính toán kìm giữ giá các chi phí này để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho DN và đời sống của người dân.

Các DN ngành chăn nuôi cũng hoan nghênh đề xuất trên của Bộ Tài chính. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết ngành chăn nuôi đang khốn đốn vì chi phí chăn nuôi tăng nhưng giá đầu ra lại dưới giá thành.

Mới đây, ngành chăn nuôi đã kiến nghị giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi là khô dầu đậu tương từ 2% xuống 0%. Nếu đề xuất giảm các loại phí trong chăn nuôi, phí kiểm dịch gia cầm… giảm 50% sẽ hỗ trợ rất lớn cho các trang trại, DN chăn nuôi.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Giảm bớt nhiều chi phí nhỏ thì DN tiết kiệm được một khoản lớn, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục sản xuất” - ông Đoán chia sẻ.

Đáng chú ý, trong dự thảo của Bộ Tài chính có những khoản phí được đề xuất giảm tới 90%. Như loại phí trong công tác an toàn thực phẩm chỉ bằng 90% mức thu phí quy định tại biểu phí trong công tác an toàn thực phẩm ban hành kèm theo Thông tư 67/2021 của Bộ Tài chính.

Theo ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Agrex Sài Gòn, loại phí về công tác an toàn thực phẩm liên quan đến rất nhiều DN. Có những loại phí gần như phải đóng hằng ngày như phí kiểm tra xác nhận từng lô hàng, mức phí 300.000-1 triệu đồng hoặc lên đến cả 10 triệu đồng/lô hàng tùy vào mức kiểm tra thông thường hay chặt.

“Việc giảm phí tới 90% rất cần thiết vì hiện nay DN sản xuất, kinh doanh đang thiếu đơn hàng, hàng tồn nhiều. Đề xuất giảm nhiều loại phí, lệ phí giúp tác động trực tiếp lẫn gián tiếp hỗ trợ thiết thực cho DN đang gặp khó khăn thực sự” - ông Long nói.

Xem xét tiếp tục đề xuất kéo dài hỗ trợ

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng hiện nay DN đang đối mặt với nhiều trở ngại. Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước đã chủ động vào cuộc, đưa ra các biện pháp hỗ trợ DN phục hồi, tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Thịnh, Bộ Tài chính đề xuất giảm 50%, thậm chí 90% các khoản thu của 35 loại phí, lệ phí rất cần thiết cho DN lúc này. Đặc biệt, đề xuất này rất thiết thực, sát thực tế nhằm hỗ trợ những DN ở những lĩnh vực đang gặp khó khăn như sản xuất, xuất khẩu, thực phẩm, du lịch, chăn nuôi… Những khoản phí, lệ phí được xem xét giảm cũng là những khoản phí ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều DN như phí về kiểm định PCCC, phí trong công tác an toàn thực phẩm, phí chăn nuôi…

“Bên cạnh đó, nhiều loại phí, lệ phí được giảm có mối quan hệ với nhau giúp ngành du lịch phục hồi. Như bộ đề xuất giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch…” - ông Thịnh phân tích.

Về đề xuất kéo dài chính sách, ông Thịnh cho rằng các chính sách miễn, giảm thuế, hay phí, lệ phí phải theo năm tài chính nên các đề xuất đều chỉ kéo dài đến hết năm 2023.

“Muốn đề xuất kéo dài thì cần phải đợi đến tháng 10, tháng 11-2023 thì Chính phủ, Quốc hội xem xét tình hình thu chi ngân sách nhà nước. Đồng thời, đánh giá xem DN còn những khó khăn gì thì mới có thể xem xét đề xuất tiếp tục hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trong năm 2024” - ông Thịnh nói.

Sẽ giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi bộ trưởng Bộ Tài chính về việc đồng thuận với đề xuất giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước.

Theo công văn này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo đúng kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp ngày 30-5-2023. Đặc biệt, Chính phủ cũng đồng ý áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành nghị định và trình Chính phủ trước ngày 15-6 tới.

Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh sức mua ô tô trên thị trường giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán hàng của nhiều hãng xe giảm hơn 50%. Lượng xe tồn kho theo đó cũng liên tục gia tăng khiến các DN kinh doanh ô tô phải liên tiếp tung ra chương trình ưu đãi để kích cầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm