Giảm 50% lệ phí trước bạ nhưng ô tô vẫn ế

(PLO)- Các chuyên gia cho rằng thị trường ô tô vẫn đang gặp nhiều khó khăn do người tiêu dùng phải tiết kiệm chi tiêu và kỳ vọng sức mua sẽ bật trở lại vào cuối năm nay .
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 41/2023 về giảm 50% lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Chính sách này được áp dụng chính thức từ ngày 1-7 đến 31-12. Việc giảm 50% LPTB giúp người mua xe tiết kiệm từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/chiếc, kỳ vọng kích cầu thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp ngành ô tô vượt qua khó khăn.

Nhiều khuyến mãi hấp dẫn

Hàng chục mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước được hưởng lợi từ chính sách giảm 50% LPTB. Thậm chí, nhiều mẫu xe còn tung thêm nhiều ưu đãi như giảm 100%-150% LPTB, tặng thêm nhiều dịch vụ khác để thu hút khách.

Điển hình, hãng xe Honda đang thu hút sự quan tâm của khách hàng khi mẫu xe CR-V tiếp tục áp dụng chương trình ưu đãi hỗ trợ 100% LPTB cho khách mua từ tháng 7-2023 (không bao gồm chính sách giảm 50% lệ phí).

Điều này đồng nghĩa với việc khách mua mẫu xe CR-V trong khoảng thời gian này có thể được hưởng ưu đãi trị giá tương đương 150% các mức LPTB phải nộp. Hiện tại, Honda CR-V đang có giá bán từ 998 triệu đến hơn 1,1 tỉ đồng. Như vậy, với mức hỗ trợ 150% LPTB, người mua xe sẽ được giảm 150-200 triệu đồng. Đây là mức giảm chưa từng có từ trước đến nay.

Đáng chú ý, hai mẫu xe nhập khẩu là Civic và Accord vốn không đủ điều kiện để được hưởng chính sách giảm 50% LPTB nhưng hãng Honda vẫn tung chương trình giảm 50% LPTB cho khách mua.

Tương tự, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco Auto) cũng có nhiều mẫu xe sản xuất, lắp ráp được hưởng chính sách trên. Theo đó, công ty này đã điều chỉnh giảm trực tiếp giá công bố của nhiều mẫu xe lắp ráp trong nước như Kia, Mazda... Kết hợp với chính sách giảm 50% LPTB từ Nhà nước, khách hàng khi mua các mẫu xe thuộc các thương hiệu này sẽ được hưởng chính sách giá tốt nhất từ trước đến nay.

Vẫn ít người mua

Dù giảm LPTB nhưng thị trường ô tô ghi nhận vẫn chưa có nhiều biến động tích cực khi lượng khách mua còn rất ít.

Đại diện một đại lý ô tô tại quận Gò Vấp, TP.HCM cho biết đợt giảm LPTB năm trước có sức mua mạnh, do yếu tố dịch bệnh năm 2021 nên đến đầu năm 2022 nhu cầu mua xe tăng trở lại.

Tuy nhiên, lần giảm LPTB này, dù trong tháng 6, đón đầu chính sách, các đại lý đã giảm 50%-100% LPTB nhưng lượng khách mua xe để được hưởng ưu đãi không nhiều.

Được giảm lệ phí trước bạ, thị trường ô tô dự kiến có khả năng phục hồi sức mua vào cuối năm nay. Ảnh: Q.HUY
Được giảm lệ phí trước bạ, thị trường ô tô dự kiến có khả năng phục hồi sức mua vào cuối năm nay. Ảnh: Q.HUY

Là người đang có nhu cầu mua ô tô nhưng anh Đức Tuấn (quận 12, TP.HCM) cho biết: “Nếu mua xe năm nay thì tiết kiệm hơn năm trước rất nhiều, thậm chí có mẫu xe tiết kiệm trên dưới trăm triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay sản xuất, kinh doanh khó khăn quá, thu nhập giảm, gia đình quyết định chi tiêu những khoản thật sự cần thiết nên phải tính toán lại”.

Ông Huỳnh Văn Sang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Toyota Đông Sài Gòn, cho rằng chính sách giảm thuế trước bạ lần này, các đại lý, doanh nghiệp đều rất mong chờ sẽ kích thích thị trường phục hồi.

Tuy nhiên, ông Sang thừa nhận khó có thể kích cầu nhanh chóng và hiệu quả như lần giảm LPTB năm trước. “Năm 2023, tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân giảm nên thắt chặt chi tiêu. Do đó, việc mua sắm ô tô sẽ khó khởi sắc ngay, dự báo từ nay đến cuối năm sẽ còn khó khăn” - ông Sang nhận định.

Kỳ vọng phục hồi vào cuối năm nay

Để kích cầu tiêu dùng đối với thị trường ô tô, ông Huỳnh Văn Sang cho rằng: “Ngoài giảm LPTB, các hãng xe, đại lý cần tiếp tục chính sách khuyến mãi, ưu đãi cho khách hàng để kích cầu trong thời gian nửa cuối năm nay. Dự báo những mẫu xe cỡ nhỏ, giá bình dân vừa túi tiền sẽ thu hút khách hàng, góp phần tăng doanh số bán hàng ô tô trong thời gian tới”.

TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế, cho rằng doanh số bán hàng ô tô Việt Nam khó có thể khởi sắc trở lại ngay trong tháng 7 và cả quý III-2023. Tuy nhiên, dự kiến lãi suất cho vay sẽ giảm trong nửa cuối năm 2023, điều này có thể thúc đẩy nhu cầu đối với các mặt hàng có giá trị lớn như ô tô.

Ngoài ra, TS Nhân cho rằng chính sách ưu đãi từ Chính phủ là động lực chính cho sự phục hồi của ngành ô tô trong nửa cuối năm 2023. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 36/2023 gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (có hiệu lực từ ngày 30-6). Chính sách này cộng với chính sách giảm 50% LPTB đối với ô tô sản xuất trong nước, ngành ô tô trong nửa cuối năm 2023 có thể phục hồi trở lại.

Đẩy nhanh chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô

Tổng cục Thuế vừa ban hành Công điện số 04 chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc nhanh chóng thực hiện áp dụng mức thu LPTB đối với ô tô, rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc; các loại xe tương tự ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước theo quy định tại Nghị định 41/2023.

Ô tô lắp ráp trong nước sẽ được giảm lệ phí trước bạ 50%. Ảnh: Q.HUY
Ô tô lắp ráp trong nước sẽ được giảm lệ phí trước bạ 50%. Ảnh: Q.HUY

Tổng cục Thuế yêu cầu các cục Thuế chủ động tuyên truyền, phổ biến cho người nộp thuế trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các chi cục Thuế kịp thời triển khai thực hiện áp dụng mức thu LPTB theo quy định tại Nghị định 41 nhằm góp phần kích thích tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm