Giảm án oan: LS phải được thu thập chứng cứ

Theo ông Lê Thúc Anh, danh sách 82 vụ án có dấu hiệu oan sai này do 14 đoàn luật sư (TP.HCM, Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Đắk Lắk, Vĩnh Long, Bắc Giang, Lâm Đồng, Nghệ An, Bình Phước, Quảng Trị, Tiền Giang) tổng hợp gửi lên liên đoàn. Đây là các vụ mà trong quá trình tham gia bảo vệ bị can, bị cáo, luật sư phát hiện các cơ quan tố tụng đã áp dụng pháp luật chưa đúng, nhất là trong việc xem xét, đánh giá chứng cứ...

Giúp luật sư đi đến cùng

. Phóng viên: Thưa ông, danh sách này đã phản ánh được đầy đủ tình hình oan sai hiện nay hay chưa?

+ Ông Lê Thúc Anh: Chúng tôi mới tổng hợp được từ 14 đoàn luật sư. Còn một số đoàn chưa có báo cáo hoặc do ở địa phương đó không có oan sai nên họ không tổng hợp hoặc có thể các luật sư chưa cung cấp. Vả lại rất nhiều vụ án hình sự không có luật sư tham gia. Như vậy, bản báo cáo này cũng chưa thật sự phản ánh đầy đủ tình hình oan sai diễn ra trên thực tế.

. Thưa ông, việc liên đoàn luật sư tổng hợp các vụ án có dấu hiệu oan sai có ảnh hưởng ra sao đối với việc làm giảm án oan?

+ Việc tổng hợp án có dấu hiệu oan sai sẽ buộc các cơ quan tố tụng phải nêu cao trách nhiệm, tự nâng cao năng lực, trình độ. Đây cũng là một kênh giám sát của Mặt trận Tổ quốc mà chúng tôi là thành viên. Do đó hoạt động này có tác dụng thúc đẩy việc giải quyết án chính xác hơn, đúng luật hơn. Mặt khác, hoạt động này cũng nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ luật sư, giúp luật sư đi đến cùng trong vụ án, không chỉ dừng lại ở các phiên tòa sơ, phúc thẩm mà thậm chí còn là cả giám đốc thẩm, tái thẩm. Chưa kể việc tăng cường giám sát các vụ án có dấu hiệu oan sai sẽ giúp giảm án oan bởi nếu các cơ quan tố tụng làm không đúng thì luật sư sẽ phát hiện ra.

Từ nay chúng tôi sẽ tổng hợp thường xuyên theo định kỳ hằng năm hoặc sáu tháng/lần. Chúng tôi cũng đang cân nhắc thành lập một hội đồng xem xét 82 vụ án có dấu hiệu oan sai nói trên và các vụ có dấu hiệu oan sai khác trong tương lai vì thực sự đây là vấn đề rất quan trọng, là vấn đề bảo vệ công lý.

Ông Hàn Đức Long (người được Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang báo cáo là có dấu hiệu bị oan) sau một phiên xử ông án tử hình về hai tội hiếp dâm trẻ em, giết người. Ảnh: INTERNET

Cơ quan điều tra vẫn còn gây khó cho luật sư

. Theo ông, luật sư có vai trò thế nào trong việc hạn chế và làm giảm án oan?

+ Theo tôi, mọi vụ án đều cần phải có luật sư tham gia vì bị can, bị cáo thường không rành rẽ pháp luật, nhất là lúc bị bắt, bị giam thì tinh thần của họ rất bất ổn. Tuy nhiên, nhìn chung tình trạng cơ quan tố tụng, nhất là cơ quan điều tra vẫn còn gây khó khăn cho luật sư. Việc luật sư tham gia tố tụng đã được hiến định nhưng thực tế luật sư vẫn còn phải xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Chúng tôi đang kiến nghị luật sư chỉ cần giấy yêu cầu của thân chủ và có thẻ luật sư là được quyền bào chữa. Người thân của bị can, bị cáo cũng có quyền mời luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo.

Kiến nghị quyền thu nhập chứng cứ

. Theo cơ quan điều tra, nhiều bị can không chịu nhờ luật sư?

+ Điều quan trọng nhất là cơ quan điều tra phải tạo điều kiện cho luật sư vào gặp trực tiếp bị can, bị cáo (bị tạm giam) xem có cần nhờ luật sư hay không. Vừa qua có tình trạng cơ quan điều tra cứ bảo bị can không nhờ luật sư nhưng khi được tại ngoại hoặc ra tòa thì bị can, bị cáo lại nhờ luật sư bào chữa ngay. Vụ Đoàn Văn Vươn chẳng hạn, luật sư báo cáo với chúng tôi rằng cơ quan điều tra nói ông Vươn không nhờ luật sư. Khi chúng tôi có ý kiến, luật sư được vào trại tạm giam gặp ông Vươn thì ông Vươn nhờ luật sư bào chữa ngay.

Chúng tôi cũng đang kiến nghị về quyền thu thập chứng cứ của luật sư. Điều này sẽ giảm án oan nếu chứng cứ gỡ tội mà luật sư thu thập được coi trọng. 

. Từng là thẩm phán, ông nghĩ sao về vai trò của tòa án trong việc làm giảm án oan, thưa ông?

+ Tôi cho rằng vai trò của hội đồng xét xử rất quan trọng. Bây giờ công tác cải cách tư pháp có một nguyên tắc rằng tòa là trung tâm, xét xử là trọng tâm và tranh tụng là khâu đột phá. Nghị quyết 08, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đều nói phán quyết phải dựa trên kết quả tranh tụng tại tòa. Muốn tranh tụng tốt thì phải đảm bảo dân chủ, bình đẳng. Không thể coi phát biểu của kiểm sát viên quan trọng hơn luận cứ của luật sư. Có nhiều phiên tòa kiểm sát viên được nói thoải mái, còn luật sư phát biểu lại hay bị chủ tọa ngắt lời. Trong bản án cũng cần phải ghi lại các ý kiến của luật sư, nói rõ là hội đồng xét xử chấp nhận hay không chấp nhận ý kiến nào.

Chúng tôi cũng đề nghị tạo điều kiện cho thẩm phán và hội thẩm nhân dân được độc lập xét xử như Hiến pháp đã quy định. Phải tìm ra và xử lý những ai, tổ chức nào can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán. Như thế thẩm phán sẽ yên tâm xét xử, không còn lo bị can thiệp và tự chịu trách nhiệm về những quyết định của mình.

Mặt khác cần phải có chế tài nghiêm khắc đối với những thẩm phán xử oan, đồng thời phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao họ lại xử như vậy để có giải pháp.

. Vậy còn với những cán bộ tố tụng khác đã làm oan thì sao? Đặc biệt việc khắc phục hậu quả án oan dường như vẫn rất nhiêu khê, chậm trễ?

+ Tôi nghĩ bất cứ ai làm oan, dù là điều tra viên, kiểm sát viên hay thẩm phán đều cần phải bị xử lý nghiêm minh. Cần phải tuân thủ triệt để pháp luật về chế tài xử lý những người tiến hành tố tụng, những cơ quan tố tụng đã gây ra oan.

Án oan gây hậu quả không chỉ cho người bị oan mà còn cho cả gia đình họ. Có những gia đình tan nát vì án oan. Người bị oan đã khổ sở nhiều rồi thì sau khi được minh oan đừng để người ta bị thiệt thòi thêm nữa. Phải khẩn trương khắc phục hậu quả ngay, bằng mọi giá, cả về mặt tinh thần lẫn vật chất.

. Xin cám ơn ông.

Một số vụ án tiêu biểu

- Tháng 11-2014, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị của TAND Tối cao, hủy các bản án kết tội ông Hàn Đức Long hiếp dâm trẻ em và giết người để điều tra lại vì vụ án còn nhiều mâu thuẫn.

Theo hồ sơ buộc tội ông Long, khoảng 7 giờ tối 26-6-2005, hai người ở xã Phúc Sơn, Tân Yên (Bắc Giang) đi làm đồng về không thấy con gái năm tuổi ở nhà nên đổ xô tìm kiếm. Sớm hôm sau, một người cùng xã phát hiện xác bé gái tại mương nước. Cơ quan chức năng xác định bé đã bị hiếp dâm rồi dìm chết. Bốn tháng trôi qua, cơ quan điều tra vẫn không tìm ra thủ phạm nên tạm đình chỉ vụ án và kêu gọi tố giác tội phạm. Đến tháng 10-2005, ông Long bị hai mẹ con người cùng thôn tố hiếp dâm. Bị triệu tập, ông Long thừa nhận vụ việc, sau đó làm đơn tự thú đã hiếp, giết bé gái…

Từ năm 2007 đến năm 2011, qua bốn phiên xử, ông Long bị các cấp tòa kết tội hiếp dâm trẻ em, giết người và phạt tử hình. Tại các phiên xử, ông Long liên tục kêu oan, tố bị ép cung, bị nhục hình. 10 năm qua, vợ của ông Long cũng liên tục kêu oan cho chồng vì “tối hôm xảy ra vụ án, tôi ở nhà, tận mắt thấy chồng đi xát gạo về rồi ăn cơm với cả nhà thì làm sao anh ấy gây án được”.

- Tháng 9-2014, TAND huyện Đồng Phú (Bình Phước) đã tuyên ông Hoàng Trọng Nghĩa không phạm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Bản án này sau đó bị VKS huyện kháng nghị theo hướng có tội và TAND tỉnh Bình Phước đã hủy án để điều tra lại. Trước đó, từ tháng 3-2008 đến tháng 8-2010, TAND huyện Đồng Phú đã hai lần tuyên ông Nghĩa không phạm tội nhưng đều bị VKS huyện kháng nghị và TAND tỉnh Bình Phước hủy án vì các lý do khác nhau.

Theo hồ sơ buộc tội, tối 23-9-2002, ông Nghĩa chạy xe máy đụng phải anh Nghiệp đang đi bộ khiến anh Nghiệp chết sau đó, còn ông Nghĩa bị chấn thương sọ não. Ông Nghĩa bị khởi tố, truy tố. Thụ lý, từ tháng 4-2006, TAND tỉnh Bình Phước (lúc này TAND huyện Đồng Phú chưa được tăng thẩm quyền) liên tục mở phiên xử sơ thẩm rồi hoãn, trả hồ sơ điều tra bổ sung với những lý do như kết quả khám nghiệm và lời khai các nhân chứng còn nhiều mâu thuẫn, chưa làm rõ nạn nhân bị thương tại vùng chẩm là do tác động vào vật gì… Sau này, khi vụ án được chuyển về cấp huyện, TAND huyện Đồng Phú cũng nhiều lần trả hồ sơ yêu cầu làm rõ các tình tiết như ai đụng vào ai, nguyên nhân dẫn đến tai nạn, điểm đụng... VKS huyện không làm rõ được, không chứng minh được hành vi phạm tội của ông Nghĩa nhưng vẫn luôn truy tố rồi kháng nghị.

PL tổng hợp

Lập quỹ bồi thường oan

Theo ông Lê Thúc Anh, Nhà nước cần thành lập quỹ bồi thường oan để ưu tiên bồi thường cho người bị oan nhanh chóng nhất, sau đó mới tính đến trách nhiệm đền bù của những người gây ra oan. Thiệt hại về danh dự đối với người bị oan đã là rất lớn, khó có thể đền bù thỏa đáng nên khi một người đã bị oan thì phải được tạo điều kiện bồi thường vật chất một cách hợp lý và nhanh chóng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới