Giảm áp lực tỉ giá để hỗ trợ nhà kinh doanh

(PLO)- Tỉ giá USD/VND liên tục tăng đang gây bất lợi cho các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết cơ quan này đang theo dõi sát thị trường ngoại tệ và can thiệp để ổn định tỉ giá, dù vậy áp lực thời gian tới vẫn rất lớn khi cần cân đối giữa lãi suất và tỉ giá.

P11_ti-gia-ngan-hang.jpg
Ngân hàng Nhà nước liên tục phát hành tín phiếu nhằm trung hòa lượng tiền tệ, giảm tác động tiêu cực lên tỉ giá. Ảnh: TL

Đau đầu với tỉ giá

Khoảng bảy tháng đầu năm nay, tỉ giá USD/VND tương đối ổn định. Nhưng bước sang tháng 8, thị trường đã chứng kiến đà tăng mạnh mẽ của đồng đô la tại các ngân hàng thương mại lẫn trên thị trường tự do. Tính đến ngày 19-10 vừa qua, giá đồng bạc xanh tại các ngân hàng thương mại giao dịch quanh mức 24.350 - 24.720 VND/USD (mua - bán). Trên thị trường tự do, giá mua USD hiện cao hơn trong ngân hàng khoảng 220 đồng.

Trên thị trường liên ngân hàng, tỉ giá cũng lên mức 24.570 VND/USD, tăng hơn 800 đồng so với đầu tháng 8. Đây là mức cao nhất trong vòng 11 tháng trở lại đây. Tính chung đến ngày 19-10, giá đồng bạc xanh đã tăng gần 4% so với đầu năm.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại toàn cầu, cho biết đơn vị xuất khẩu cà phê và nông sản nhưng ngược lại phải nhập khẩu chất phụ gia để sản xuất hàng hóa. Vậy nên khi tỉ giá USD/VND tăng đương nhiên đẩy giá vốn tăng theo. Còn xét về khía cạnh tích cực, theo lý thuyết khi tỉ giá tăng sẽ giúp doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu được hưởng lợi. Tuy nhiên, đơn hàng xuất khẩu vào thời điểm này đang giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hơn nữa, giá cà phê nguyên liệu tăng đột biến, hồi tháng 6 chỉ khoảng 49.000 đồng/kg thì giờ đây lên 80.000 đồng/kg; giá xăng dầu, điện… cũng tăng. Đặc biệt lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, ví dụ kỳ hạn ba tháng đang ở mức 8%-9%/năm, còn kỳ hạn một năm trở lên là 13%-14%/năm.

Ông nhấn mạnh: “Có thể nói DN sản xuất đang trong tình trạng rất khó khăn. Giờ thì chúng tôi chỉ lên kế hoạch sản xuất ngắn hạn, tính theo tháng chứ không dám tính theo năm như trước nữa. Lợi nhuận gần như bằng 0, tất cả chi phí đều ăn sâu vào vốn rồi”.

Đồng cảnh ngộ, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May DONY, cho biết: “Chúng tôi vừa mở rộng đơn hàng xuất khẩu sang Malaysia, với việc tỉ giá tăng 3%-4% so với đầu năm giúp chúng tôi bù đắp phần nào chi phí lãi vay ngân hàng. Nhưng đối tác thông báo giá nguyên liệu đầu vào tăng 4% khiến lợi nhuận bị thu hẹp. Hiện chúng tôi làm chỉ đủ để duy trì hoạt động ở mức tối thiểu, hay nói cách khác huề vốn là may mắn rồi”.

Một số công ty chế biến gỗ chia sẻ biến động tỉ giá đang khiến nhiều đơn vị trong ngành không dám nhập khẩu quá nhiều nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Lý do giá đầu vào tăng cao trong khi đơn hàng mới xuất khẩu lại tăng không đáng kể.

Các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi tỉ giá có thể cân nhắc thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỉ giá như mua hợp đồng kỳ hạn.

Kỳ vọng tỉ giá sẽ ổn định trở lại

Trước biến động của tỉ giá và để giảm chênh lệch lãi suất giữa tiền VND và USD trên thị trường liên ngân hàng, NHNN đã tung ra nhiều giải pháp. Đơn cử như phát hành tín phiếu 20 phiên liên tiếp, đưa số tín phiếu lưu hành trên thị trường lên mức gần 245.700 tỉ đồng, mức cao nhất từ năm 2021 đến nay. Mục tiêu của việc phát hành tín phiếu để hút bớt lượng tiền dư thừa trong lưu thông, giảm thiểu nguy cơ đầu cơ đẩy giá USD lên, giảm tác động tiêu cực lên tỉ giá.

TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, phân tích: Với việc NHNN hút ròng 245.700 tỉ đồng ra khỏi hệ thống đã kéo lãi suất tiền VND trên thị trường hai - thị trường liên ngân hàng - từ mức 0,11%/năm lên 0,8%/năm. Nhưng rõ ràng mức chênh lệch giữa lãi suất tiền VND và USD vẫn rất lớn và tình trạng đầu cơ tỉ giá vẫn đang diễn ra.

Điều đó cho thấy giải pháp phát hành tín phiếu của NHNN chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì lãi suất cơ sở của đồng USD ở mức cao và có khả năng vẫn sẽ tăng lãi suất USD thêm lần nữa.

“Như vậy, áp lực tỉ giá tăng vẫn hiện hữu từ nay đến cuối năm do nhu cầu nhập hàng hóa để phục vụ cho Tết sẽ nhiều hơn. Tất nhiên việc tăng giá này chỉ mang tính mùa vụ và qua thời điểm đó, tỉ giá có thể sẽ ổn định trở lại” - ông Huân nhận định.

TS Nguyễn Hữu Huân dự báo từ nay đến cuối năm nhiều khả năng tỉ giá sẽ tăng tối đa 5%-6% so với cuối năm ngoái bởi đồng USD đang mạnh lên. Việc tỉ giá USD/VND tăng phù hợp với thông lệ quốc tế bởi nếu cứ neo VND quá chặt so với USD sẽ khiến VND tăng giá so với các đồng tiền khác. Điều này cản trở xuất khẩu, do hàng hóa Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn so với một số thị trường trong khu vực. Khi xuất khẩu bị ảnh hưởng sẽ tác động ngược trở lại tỉ giá, vì vậy giảm giá VND tương đối so với USD là điều cần thiết.

“Các DN chịu ảnh hưởng bởi tỉ giá, đặc biệt là DN nhập khẩu có thể cân nhắc thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỉ giá như mua hợp đồng kỳ hạn. Tất nhiên, chi phí mua USD có thể cao hơn một chút nhưng được đảm bảo chắc chắn có một lượng USD sẵn sàng bán cho DN khi cần phục vụ cho hoạt động kinh doanh với mức giá đã được ấn định từ trước” - TS Huấn gợi ý.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà mới đây cho biết cơ quan này cố gắng điều hành theo hướng ổn định thị trường ngoại tệ trong lúc thuận lợi cũng như khó khăn. Thời gian qua, các tổ chức tín dụng luôn đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua và bán ngoại tệ của các chủ thể kinh tế, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài.

“Năm nay, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương thế giời tiếp tục thắt chặt tiền tệ, chúng tôi vẫn cố gắng điều hành ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ và tỉ giá biến động khoảng 3,9% là mức hợp lý so với các nước xung quanh và khu vực” - ông Hà nói.•

Sử dụng nhiều công cụ để trung hòa áp lực tỉ giá

Các chuyên gia tài chính tại Công ty Chứng khoán MB nhìn nhận việc NHNN tiếp tục tăng cường sử dụng các công cụ trên thị trường mở (OMO) để điều hành tỉ giá như phát hành tín phiếu, cộng với thặng dư thương mại chín tháng đầu năm ước tính đạt 21,6 tỉ USD, lượng kiều hối dự kiến đạt 14 tỉ USD trong cả năm 2023… sẽ góp phần trung hòa áp lực tăng giá tỉ giá vào cuối năm.

Bên cạnh đó, các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 cũng sẽ góp phần làm tăng nguồn cung ngoại tệ, giảm bớt áp lực lên tỉ giá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm