Theo ông H., cán bộ tòa còn yêu cầu ông ký cam kết chịu mọi chi phí giám định và ông đồng ý.
Theo hồ sơ, trước đây vợ ông H. bị chín chủ nợ kiện ra TAND huyện Tuy Phong. Tòa lấy lời khai, vợ ông H. khẳng định tự ý vay tiền, gia đình không biết. Sau đó tòa ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự với nội dung vợ ông H. phải trả nợ cho chín chủ nợ.
Ngày 5-8-2014, VKS tỉnh Bình Thuận mời vợ ông H. lên làm việc. Vợ ông H. bí mật ghi âm lại buổi làm việc. Sau đó VKS tỉnh đã dùng biên bản làm việc với vợ ông H. làm căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm quyết định công nhận sự thỏa thuận của TAND huyện Tuy Phong. Hội đồng Giám đốc thẩm TAND tỉnh đã chấp nhận kháng nghị, hủy quyết định này.
Tháng 3-2015, TAND huyện Tuy Phong xử sơ thẩm lần hai, buộc vợ chồng ông H. trả tiền cho chín chủ nợ. Ông H. kháng cáo, yêu cầu giám định đĩa ghi âm để đối chiếu, xem xét lại biên bản lấy lời khai tại VKS tỉnh ngày 5-8-2014. Theo ông H., nội dung hỏi-đáp trong đĩa ghi âm thể hiện vợ ông không hề khai “vay tiền rồi cho vay lại để hưởng tiền lãi nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt chung của gia đình” như biên bản đã ghi nhằm “đưa ông vào tham gia trả nợ”.
TAND tỉnh Bình Thuận đã thu 15 triệu đồng tiền tạm ứng chi phí giám định của ông H. Ngày 14-9, tòa tổ chức để cơ quan chức năng thu mẫu giọng nói của kiểm sát viên làm việc với vợ ông H. nhưng ông này vắng mặt nên việc thu mẫu không thành. Sau đó VKS tỉnh Bình Thuận có công văn gửi TAND tỉnh, cho biết người ghi biên bản đã tổng hợp lời khai của vợ ông H. để ghi vào, trong đó có nội dung “tôi vay tiền là để cho vay lại kiếm lời để dùng sinh hoạt chi tiêu chung trong gia đình hằng ngày”. VKS tỉnh cũng cho rằng việc ông H. yêu cầu giám định đĩa ghi âm là không đủ căn cứ nên không thể đáp ứng...
Ông H. tiếp tục khiếu nại. Ngày 31-10, Pháp Luật TP.HCM đã có bài phản ánh về vụ việc. Sau đó VKSND Tối cao đã yêu cầu VKS tỉnh Bình Thuận báo cáo.