Giám định tư pháp phải có tính chuyên nghiệp cao

Giám định tư pháp đang là một khâu yếu, ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng. Đánh giá này được nhắc tới nhiều lần trong các cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ngày 5-9 vấn đề này tiếp tục được mổ xẻ toàn diện trong cuộc giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về chấp hành pháp luật giám định tư pháp trong tố tụng hình sự.

Tồn tại nhiều hạn chế

Báo cáo của đoàn giám sát được trình bày tại phiên họp toàn thể Ủy ban Tư pháp cho thấy các lĩnh vực truyền thống như pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự… về cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan tố tụng. Đây là mảng mà cơ quan pháp y của ngành y tế và công an đã dày dạn kinh nghiệm.

Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp trong các mảng khác như tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả… thì còn rất èo uột. Đây là những lĩnh vực được xã hội hóa theo tinh thần Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp mà trong Luật Giám định tư pháp gọi là giám định tư pháp theo vụ việc.

Trong địa hạt này, đến nay cả nước chỉ có duy nhất một văn phòng giám định do tư nhân đầu tư tại TP.HCM từ năm 2013. Hoạt động của văn phòng này rất cầm chừng, do ít khi được cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu. Trong khi giám định vụ việc lại thường liên quan nhiều tới các vụ án tham nhũng, kinh tế.

VKSND Tối cao cho biết một số vụ việc giám định bị kéo dài, không đáp ứng được yêu cầu của cơ quan tố tụng. Như vụ án Nguyễn Đức Kiên ở ACB chậm giám định giá trị cổ phần, cổ phiếu, bất động sản; vụ án Nguyễn Anh Tuấn cố ý làm trái ở Agribank năm năm mới có kết quả giám định.

Tương tự, báo cáo chuyên đề của Cục CSĐT tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) cho thấy vướng mắc rất lớn trong các vụ án liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản là cơ quan giám định thường yêu cầu công trình phải được quyết toán thì mới kết luận về mặt tài chính, kế toán được. Như vậy, kể cả khi có chứng cứ về giả mạo chứng từ, tiền xuất khỏi quỹ bỏ túi cá nhân thì cũng không quy tội được vì chỉ được coi là tạm ứng, chưa quyết toán…

Ngược lại, phía cơ quan giám định cho rằng có cả khuyết điểm từ phía cơ quan tố tụng. Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà cho biết yêu cầu trưng cầu giám định của cơ quan tố tụng nhiều khi vượt ngoài thẩm quyền, chuyên môn của cơ quan quản lý. Chẳng hạn, đánh giá hợp đồng tín dụng là việc của ngân hàng thì lại yêu cầu giám định viên tài chính đánh giá; hồ sơ gửi kèm thì thiếu tính liên tục, khó giám định chính xác. “Anh em có chuyên môn sâu về tài chính nhưng trong vụ án cụ thể lại phải đòi hỏi có thêm kiến thức về đất đai thì mới có thể giám định được tài chính của đất đai, nên rất khó” - ông Hà nói.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại buổi giám sát. Ảnh: NN

Xã hội hóa để chuyên nghiệp?

Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng giám định chuyên môn trong tố tụng đang bất cập từ nguyên lý. Công chức làm công việc chuyên môn là chính, đến khi có vụ việc cụ thể thì bị lãnh đạo chỉ định làm giám định viên, kiểu kiêm nhiệm nhưng phải chịu trách nhiệm cá nhân về kết quả giám định. Như thế là rất cưỡng ép, thiếu tính tự nguyện. Đây là lý do chính khiến ngành công thương, xây dựng, tài chính, ngân hàng khó cử người giám định, nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp.

Theo ông Khánh, cần xã hội hóa mạnh công tác giám định tư pháp để thành một nghề có tính chuyên nghiệp cao với đòi hỏi cụ thể về đạo đức nghề nghiệp. Đây cũng là ý kiến của Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương khi mong muốn lĩnh vực giám định tư pháp phải trở nên chuyên nghiệp như luật sư, có hiệp hội để thúc đẩy tính chuyên nghiệp và trách nhiệm.

Cùng thời điểm Ủy ban Tư pháp thực hiện cuộc giám sát chuyên đề này, Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội sửa Luật Giám định tư pháp. Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết việc thiếu quy định về thời hạn giám định là một nguyên nhân khiến công việc này bị kéo dài, ảnh hưởng tới tiến độ xử lý vụ án. Tương tự, luật hiện hành thiếu quy định “phân tuyến” khiến việc giám định bị đẩy lên, gây quá tải cho các bộ ở trung ương. Trong khi các tổ chức giám định ở địa phương được đầu tư nhân, vật lực lại không có việc để làm…

Không đơn thuần là sửa luật

Kết luận cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng không nên kỳ vọng là cứ sửa luật thì sẽ tháo gỡ hết vướng mắc trong giám định tư pháp. Do đó, ngoài việc sửa những điểm thực sự cần thiết, có giá trị tháo gỡ thì cần tăng cường kỷ luật chính trị, kỷ luật hành chính để buộc lãnh đạo các bộ, ngành chuyên môn trách nhiệm hơn khi tham gia giám định tư pháp các vụ án tham nhũng.

Gỡ được chút nào hay chút đó

Rà soát sâu thì thấy ngoài nguyên nhân thực thi pháp luật như đoàn giám sát đã chỉ ra, để điều tra án tham nhũng hiệu quả, có lẽ phải sửa nhiều luật khác, kể cả BLTTHS. Nhưng như vậy thì lớn quá nên mới rà soát Luật Giám định, thấy cái gì có thể sửa được, không mắc các luật kia mà có thể tháo gỡ được chút nào đó cho công tác phòng, chống tội phạm thì sửa.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp LÊ THÀNH LONG 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm