Giám định y khoa về người nhiễm chất độc hóa học có vấn đề

Hỏi gần ba năm nhưng Bộ Y tế làm thinh!

. Phóng viên: Người được hưởng chế độ CĐHH cần có những điều kiện gì và nguyên nhân vì sao Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH thực hiện cuộc thanh tra quy mô lớn này, thưa bà?

+ Bà Đàm Thị Minh Thu: Đối tượng được hưởng chế độ CĐHH cần có đồng thời hai điều kiện. Trong đó, điều kiện cần là người hoạt động kháng chiến được cơ quan có thẩm quyền công nhận đã tham gia công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng CĐHH trong chiến tranh tại Việt Nam. Điều kiện đủ là các đối tượng trên bị mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động, sinh con dị dạng, dị tật hoặc vô sinh do hậu quả của việc nhiễm CĐHH.

Các nạn nhân nhiễm chất độc hóa học đang được nuôi dưỡng tại Quảng Trị

Chế độ trợ cấp này trước đây được thực hiện theo chính sách bảo trợ xã hội nên mức hưởng thấp, thủ tục hồ sơ xác lập có phần đơn giản. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện chế độ cho đối tượng, kinh phí thực hiện do ngân sách địa phương đảm bảo từ nguồn trợ cấp xã hội được Chính phủ giao hằng năm.

Từ năm 2005, khi chuyển sang đối tượng thụ hưởng theo chính sách người có công với cách mạng thì kinh phí tổ chức thực hiện do ngân sách trung ương đảm bảo với mức trợ cấp cao hơn nên tại một số địa phương xuất hiện tình trạng tăng đột biến về đối tượng thụ hưởng.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã nhận nhiều đơn tố cáo về đường dây chạy hồ sơ bệnh án, kết quả GĐYK, người không tham gia kháng chiến ở vùng mà quân đội Mỹ sử dụng CĐHH và không bị vô sinh. Đặc biệt, con đẻ của họ không bị dị dạng, dị tật, còn khả năng lao động nhưng vẫn được xét hưởng chế độ.

Tại nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu cũng rất quan tâm về vấn đề này và chất vấn tư lệnh ngành LĐ-TB&XH. Từ đó Thanh tra đã đề xuất lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH thực hiện thanh tra toàn diện đối với hồ sơ đối tượng hưởng chế độ CĐHH trên phạm vi toàn quốc (gồm 63 tỉnh, thành với tổng số 320.000 hồ sơ đối tượng).

Công tác thanh tra toàn diện đối với nhóm hồ sơ đối tượng này được tiến hành từ cuối năm 2017 và dự kiến kết thúc vào năm 2021. Đến thời điểm hiện tại đã thực hiện thanh tra tại 11 tỉnh, bước đầu phát hiện nhiều sai phạm và nghi vấn sai phạm...

. Bà nhận thấy sai phạm chủ yếu là gì và thông thường khâu nào xảy ra nhiều sai phạm nhất?

+ Kiểm tra hồ sơ và xác minh đối tượng, chúng tôi thấy rằng có nhiều trường hợp được hội đồng GĐYK cấp tỉnh kết luận vô sinh hoặc con của họ bị dị tật, dị dạng là không đúng với thực tế.

Có hiện tượng lạ là người dân rủ nhau đi điều trị bệnh rối loạn tâm thần từ ba đến bảy ngày, rồi sao hồ sơ bệnh án nhằm đủ điều kiện được giới thiệu đi GĐYK để hưởng chế độ. Quá trình xác minh rất nhiều người là cấp tá trong lực lượng vũ trang vừa nghỉ chế độ hưu trí hoặc là đảng viên đang đảm nhận các chức vụ chủ chốt ở thôn, xã…

. Vậy là công tác GĐYK có vấn đề?

+ Các trường hợp được kiểm tra mà không đảm bảo về giấy tờ chứng minh tham gia công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng CĐHH trong chiến tranh tại Việt Nam, hoặc mắc bệnh không thuộc danh mục quy định của Bộ Y tế, hoặc xác định vô sinh, khả năng lao động không đúng quy định…, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đều kiến nghị đình chỉ trợ cấp và thu hồi số tiền đối tượng đã hưởng sai, nộp ngân sách nhà nước.

Riêng đối với các trường hợp đã được hội đồng GĐYK cấp tỉnh kết luận mắc bệnh thuộc danh mục quy định của Bộ Y tế như “rối loạn tâm thần”; bệnh “thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính” nhưng có nghi vấn không đảm bảo về chuyên môn GĐYK thì Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH chưa thể đưa ra kết luận vì cần có ý kiến của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, việc phối hợp này chưa thực sự tốt. cụ thể, vừa qua kết quả thanh tra tại tỉnh Quảng Trị, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH có nghi vấn 671 trường hợp được Hội đồng GĐYK tỉnh Quảng Trị kết luận mắc bệnh “thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính” có nghi vấn không đảm bảo về chuyên môn, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị Bộ Y tế thẩm định lại.

Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, đơn vị đã có nhiều văn bản đề nghị nhưng Bộ Y tế vẫn chưa một lần có ý kiến phúc đáp.

Nhận phản ánh “chạy” cả huân, huy chương

. Với những sai phạm như trên, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH có chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra không, thưa bà?

+ Thực tế trong quá trình thanh tra, xác minh trực tiếp tại cơ sở, người dân cũng phản ánh việc có đường dây chạy bệnh án, kết quả GĐYK để đủ thủ tục hồ sơ, điều kiện hưởng chế độ, thậm chí chạy cả huân, huy chương Chiến sĩ giải phóng… Tuy nhiên, để kết luận có hay không các đường dây chạy thì phải là cơ quan công an mới làm rõ được. Vì vậy, khi nhận được phản ánh, chúng tôi hướng dẫn người dân cần tố giác đến cơ quan công an.

Với thẩm quyền và trách nhiệm là cơ quan thẩm định cuối cùng trong quy trình xác lập hồ sơ hưởng chế độ CĐHH, các sở LĐ-TB&XH cũng khó phát hiện bằng mắt thường về hành vi giả mạo giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức, còn đặt vấn đề trưng cầu giám định kỹ thuật hình sự đối với tài liệu có nghi vấn trước khi quyết định cho đối tượng thụ hưởng chế độ ưu đãi thì quay lại câu chuyện “kinh phí ở đâu”…

Đối với các trường hợp đã được hội đồng GĐYK cấp tỉnh kết luận nhưng còn nghi vấn, hiện đang chờ ý kiến của Bộ Y tế. Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH chưa đủ cơ sở để kết luận hoặc chuyển cơ quan điều tra.

. Với những sai phạm phát hiện ban đầu, đơn vị có đề xuất chấn chỉnh gì trong công tác này, thưa bà ?

+ Chúng tôi đã đề xuất Bộ LĐ-TB&XH có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị chấn chỉnh công tác khám, giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm CĐHH đối với hội đồng GĐYK cấp tỉnh.

Chúng tôi cũng chỉ ra các trường hợp sai sót cụ thể, như hội đồng GĐYK cấp tỉnh kết luận tỉ lệ tổn thương cơ thể của đối tượng do mắc bệnh liên quan đến phơi nhiễm CĐHH cao hơn tỉ lệ quy định, sai phạm điển hình xảy ra ở Lào Cai, Nam Định, Bắc Giang, Khánh Hòa.

Hiện Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH mới thực hiện xong tại 11 địa phương, còn 52 địa phương sẽ phải tiếp tục thanh tra toàn diện đối với hồ sơ đối tượng hưởng chế độ CĐHH (có thể do Thanh tra Bộ hoặc Thanh tra các sở LĐ-TB&XH trực tiếp tiến hành).

Đặc biệt, tới đây khi sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, chúng tôi cũng đề xuất siết chặt quy trình xét duyệt hồ sơ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đối với nhóm đối tượng này.

. Xin cám ơn bà.

Trước đây người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH được thực hiện chế độ ưu đãi theo chính sách bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, từ tháng 10-2005, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực thi hành thì các đối tượng trên được chuyển hưởng trợ cấp theo chính sách ưu đãi người có công với mức trợ cấp cao hơn. Và cũng từ đây tại một số địa phương phát sinh nhiều vấn đề trong việc xét duyệt hồ sơ và thẩm định về tình trạng bệnh, tật, dị dạng, dị tật do phơi nhiễm CĐHH đối với nhóm đối tượng này…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới