Giám đốc FBI điều trần: TT Trump vẫn trụ vững

Ngày 8-6, cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey đã có cuộc điều trần công khai trước Ủy ban Tình báo Thượng viện mà Reuters đánh giá được mong chờ nhất trong nhiều năm ở Mỹ. Cuộc điều trần được truyền hình trực tiếp cả nước với đông đảo người dân theo dõi. Trong hơn hai giờ, ông Comey ngồi một mình đối mặt với các thành viên Ủy ban Tình báo Thượng viện liên tục ra hết câu hỏi này đến câu hỏi khác.

Những chi tiết bất ngờ

Trong cuộc điều trần lịch sử này, ông Comey chính thức cáo buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải mình là vì muốn hủy hoại cuộc điều tra của FBI về khả năng đội tranh cử ông Trump thông đồng với Nga can thiệp bầu cử 2016. Ông Comey bị ông Trump sa thải ngày 9-5 giữa lúc ông đang lãnh đạo cuộc điều tra của FBI. Ông Comey cáo buộc việc chính phủ Trump nói lý do sa thải mình vì làm FBI xáo trộn và đội ngũ nhân sự mất lòng tin là bịa đặt và nhằm hạ uy tín ông cùng cơ quan này.

Theo cựu lãnh đạo FBI, ông Trump hồi tháng 2 đã có ý chỉ đạo ông từ bỏ điều tra ông Michael Flynn - vốn là cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump nhưng đã từ chức vì các tuyên bố sai sự thật về cuộc gặp với Đại sứ Nga Sergei Kislyak. Không tiết lộ thêm về quan hệ giữa ông Trump hay bộ sậu của ông Trump với Nga, ông Comey nói rằng có những chi tiết ông không thể nói trong một cuộc điều trần công khai.

Sau khi bị sa thải, ông Comey đã cung cấp một số bản ghi nhớ cho GS Daniel Richman (Trường Luật ĐH Columbia) về các cuộc gặp của mình với ông Trump, chuyển cho The New York Times đăng tải. Ông Comey thừa nhận muốn công khai các cuộc nói chuyện với hy vọng Bộ Tư pháp phải chỉ định một công tố viên đặc biệt giám sát cuộc điều tra dang dở. Ông Comey mong ông Trump tự công bố băng ghi âm các cuộc nói chuyện giữa hai người. Ba ngày sau khi sa thải ông Comey, tổng thống Mỹ đã bóng gió có ghi âm các cuộc nói chuyện và dọa sẽ tung ra chống lại ông Comey nếu cần thiết.

Cựu Giám đốc FBI James Comey tại cuộc điều trần ngày 8-6. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 8-6 cười khi được hỏi về cuộc điều trần của ông Comey. Ảnh: REUTERS

Ông Trump có thể bị luận tội?

Tại cuộc điều trần, ông Comey ám chỉ việc điều tra và kết luận liệu tổng thống Mỹ có “cản trở công lý” hay không sẽ tùy thuộc vào công tố viên đặc biệt Robert Mueller.

Trước cuộc điều trần này, nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ đã cũng đề nghị Quốc hội luận tội ông Trump vì cản trở điều tra. Theo GS Laura Donohue (Trung tâm Luật ĐH Georgetown), cả việc ông Trump đề nghị ông Comey thôi điều tra ông Flynn và quyết định sa thải ngày 9-5 đều nhằm chôn vùi cuộc điều tra Nga. Nhiều chuyên gia luật pháp lại dựa vào cuộc đối thoại giữa hai người vào ngày 14-2 để cáo buộc ông Trump thể hiện rõ ý định “cản trở công lý”. Theo văn bản lời khai của ông Comey, trong cuộc nói chuyện riêng hôm đó, tổng thống Mỹ đã đưa ra đề nghị: “Tôi hy vọng ông có thể cho qua vụ này” và thôi điều tra ông Flynn.

Tuy nhiên, cũng có không ít chuyên gia nhận định hiện chưa đủ cơ sở để đưa ra cáo buộc nhắm vào Tổng thống Trump. Theo GS Alan Dershomitz (Trường luật ĐH Harvard), nếu chỉ dựa trên lời nói thì ông Trump chỉ mới “hy vọng” chứ không “ra lệnh” ông Comey thôi điều tra. Việc chứng minh ông Trump “cản trở công lý” cũng không đơn giản vì còn phải lý giải được động cơ can thiệp. Theo nhiều chuyên gia, ông Trump hoàn toàn có thể viện lý do ông lo lắng điều tra dai dẳng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của chính phủ. Còn theo GS David Sklansky (Trường luật ĐH Stanford), cho dù đủ cơ sở cáo buộc thì tiến trình luận tội vẫn sẽ bị tắc ở lưỡng viện hiện do nhóm đa số đảng Cộng hòa kiểm soát.

Có lẽ cục diện này đủ khiến Tổng thống Trump tự tin và từ chối bình luận khi được các nhà báo hỏi về cuộc điều trần của ông Comey. Một nguồn tin thân cận ông Trump cho biết tổng thống cảm thấy rất hài lòng với cuộc điều trần lần này. Hãng tin Reuters nhận định ông Trump đã thắng lợi lớn khi ông Comey không tiết lộ thêm diễn biến nào bất lợi.

Chuyện lùm xùm quan hệ với Nga và sa thải ông Comey đã đeo đẳng Tổng thống Trump suốt mấy tháng qua từ khi nhậm chức, ảnh hưởng lớn đến các mục tiêu chính sách mà ông đang theo đuổi như cải cách bảo hiểm y tế và cắt giảm thuế. Tuy nhiên, có thể đe dọa chính trị lớn nhất với ông đã qua nhưng những thiệt hại từ vụ này đến chính phủ còn lâu mới phai mờ. Bóng mây điều tra Nga sẽ tiếp tục bao phủ Nhà Trắng. Và khó ai lường trước được những hé lộ trong phiên điều trần kín của ông Comey có mở ra thêm các mũi điều tra khác nhắm vào đội ngũ ông Trump hay không.

THIÊN ÂN

Năm 1974, Quốc hội Mỹ cũng vào cuộc chuẩn bị luận tội Tổng thống Richard Nixon quanh bê bối chính trị Watergate, trong đó có cáo buộc “cản trở công lý”.

Trước đó, vào năm 1972, FBI vào cuộc điều tra vụ án năm “tên trộm” đột nhập văn phòng đảng Dân chủ tại khách sạn Watergate và phát hiện đó chính là bộ sậu của Tổng thống Nixon. Tuy nhiên, chính phủ Nixon đã dùng quyền lực ém nhẹm kết luận điều tra của FBI. Quốc hội Mỹ chỉ hay biết và tiến hành điều tra sau khi tờ The Washington Post khui ra được và phơi bày trên mặt báo. Tổng thống Nixon đã từ chức trước khi bị luận tội.

Trong lịch sử tổng thống Mỹ có hai tổng thống từng bị Quốc hội xúc tiến luận tội: Andrew Johnson năm 1868 và Bill Clinton năm 1998. Tuy nhiên, cả hai cuối cùng đều “được cứu” tại Thượng viện.

Tôi nghĩ tôi bị sa thải vì có điều gì đó trong cách tôi thực hiện cuộc điều tra Nga đã gây áp lực lên tổng thống, kích động ông ấy và vì vậy ông ấy quyết định sa thải tôi.

Cựu Giám đốc FBI James Comey tại phiên điều trần ngày 8-6 trước
Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm