Giám đốc Sở Nội vụ: TP.HCM kiên trì kiến nghị tự chủ biên chế

(PLO)- Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM khẳng định TP.HCM vẫn tiếp tục kiến nghị được tự chủ về biên chế với Trung ương trên tinh thần bố trí đủ chứ không bố trí dư.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 7-12, kỳ họp thứ 13, HĐND TP.HCM khoá X thảo luận tại hội trường.

Báo cáo kết quả thảo luận tổ chiều 6-12, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP Đỗ Thị Minh Quân cho biết: Các đại biểu nhìn nhận tiến độ thực hiện Nghị quyết 80 của HĐND TP về cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn chưa đạt theo yêu cầu.

Ông Huỳnh Thanh Nhân: TP.HCM vẫn kiên trì kiến nghị tự chủ biên chế-bien-che-tphcm
Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP Đỗ Thị Minh Quân báo cáo kết quả thảo luận tổ. Ảnh: NGUYỆT NHI

Đại biểu đề nghị TP sớm triển khai thực hiện cụ thể hóa các nội dung này, sớm bố trí cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách đối với địa phương đông dân.

Theo bà Quân, đại biểu chia sẻ với áp lực của đội ngũ cán bộ công chức TP bởi việc phân bổ chỉ tiêu biên chế hiện nay của Trung ương giao thấp hơn số biên chế TP dự kiến giao, dẫn đến chưa phù hợp với thực tiễn địa phương.

“Đề xuất TP kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét theo hướng tăng quyền tự chủ về biên chế cho TP để đảm bảo phù hợp tình hình nhiệm vụ được giao”– bà Quân nêu.

Trao đổi lại với đại biểu, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết theo quy định của Ban Tổ chức Trung ương về giao biên chế năm 2023 cho TP.HCM thì con số này vẫn là 7.134 người.

Ông Huỳnh Thanh Nhân: TP.HCM vẫn kiên trì kiến nghị tự chủ biên chế-bien-che-tphcm
Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân trao đổi tại phiên thảo luận. Ảnh: NGUYỆT NHI

“Đây là con số kéo dài rất nhiều năm, TP.HCM đã có kiến nghị nhưng chưa được Trung ương ghi nhận” – ông Nhân nói. Ông cho biết năm 2022, Bộ Nội vụ đã ghi nhận thực tế biên chế của TP để kiến nghị Ban Tổ chức trung ương. Hiện nay số biên chế của TP.HCM cao hơn số biên chế được Trung ương giao là 2.600 người.

Dựa trên những khó khăn của TP.HCM, ông Nhân cho biết Sở Nội vụ đã tham mưu UBND TP số lượng biên chế năm 2024 tiếp tục giữ nguyên như năm 2023 là gần 13.700 biên chế.

Trong đó đã cộng luôn 319 biên chế mà địa phương, sở, ngành chưa tuyển và tính cả việc tăng thêm 41 biên chế cho Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, 50 biên chế cho Sở NN&PTNN và Sở An toàn thực phẩm TP.

Về việc bố trí biên chế là 52 phó chủ tịch cho phường, xã đông dân theo Nghị quyết 80 của HĐND TP, ông Nhân cho biết phải thực hiện đúng theo quy định giao biên chế của Ban Tổ chức Trung ương. Do đó, Sở Nội vụ đang phối hợp các cơ quan tham mưu Ban Cán sự Đảng kiến nghị Trung ương việc bố trí 52 phó chủ tịch này.

Dự kiến tháng 12 này, Ban Tổ chức Trung ương sẽ làm việc với Thường trực Thành uỷ TP về biên chế TP, ghi nhận và báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về biên chế nhằm xem xét biên chế cho TP.

Về đề án vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức phường, xã đông dân, sau khi có Nghị quyết 80 của HĐND TP, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND TP ban hành đề án, sau đó sẽ trình lại HĐND TP về tiêu chuẩn, số lượng. Trên cơ sở đó sẽ bổ sung biên chế cho phường, xã đông dân.

Ông Huỳnh Thanh Nhân cho biết dự kiến tháng 12 này, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định về bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường thì sẽ có cơ sở bố trí số lượng cán bộ, công chức cho phường, xã, thị trấn đông dân.

Ông Nhân khẳng định: "TP.HCM vẫn đeo bám kiến nghị được tự chủ về biên chế, như Chủ tịch UBND TP.HCM đã có ý kiến đối với Trung ương rằng TP cần bố trí đủ, chứ không cần bố trí dư biên chế".

Giảm 5% biên chế hành chính đến năm 2026

Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân thông tin UBND TP đã ban hành kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026. Trong đó, đơn vị hành chính phải giảm 5% và đơn vị sự nghiệp công lập phải giảm 10% đến năm 2026.

Đến nay có 21 đơn vị đã trình UBND TP ban hành kế hoạch tinh giản biên chế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm