Sáng ngày 2-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, báo cáo giữa kỳ và các vấn đề liên quan khác.
Phát biểu tại đây, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã tham gia ý kiến về một số vấn đề trong lĩnh vực y tế, trong đó có nội dung “cơ chế đặc thù cho mua sắm vaccine trong bối cảnh hiện nay”.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh thiếu vaccine là một vấn đề rất nghiêm trọng và theo WHO và UNICEF, thì tiêm chủng và tuân thủ lịch tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh chủ động, một trong những phương thức hiệu quả nhất để bảo vệ sức khoẻ trẻ em.
“Trẻ em không được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ, đúng lịch đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Tổ chức y tế thế giới WHO và UNICEF đã xếp khả năng bệnh bại liệt quay trở lại Việt Nam từ mức thấp nhất lên mức trung bình cao từ đầu năm 2023, nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu vắc xin Bại Liệt” - ĐB Hà nói.
Theo ĐB Hà, ngay tại Hà Nội, đến tháng 11-2023 đã có 5/10 loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng không được cấp đủ để tiêm chủng cho trẻ như: Vắc xin Sởi đơn, Bạch hầu – Ho gà - Uốn ván, Lao, Viêm gan B, Bại liệt dạng tiêm.
“Không có vaccine tiêm chủng mở rộng, người dân phải tìm đến tiêm dịch vụ tốn kém và khi thiếu vaccine miễn phí thì đối tượng bị ảnh hưởng nhất chính là những trẻ em nghèo, trẻ em vùng dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa không có điều kiện khả năng tiếp cận vaccine dịch vụ” - ĐB Hà nói và đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm đến vấn đề này để đảm bảo cho trẻ em được tiêm chủng đúng liều, đúng lịch.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng đề cập đến sự bất cập trong quy định về suất vốn đầu tư với công trình y tế hiện nay được nêu tại Quyết định 510/2023 của Bộ Xây dựng. Quyết định này đang khiến quá trình triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư với các bệnh viện chuyên khoa ở cấp tỉnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Ở Hà Nội hàng loạt các dự án Bệnh viện Thận, Tiết niệu; Bệnh viện Nhi Hà Nội, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Mê Linh đều gặp khó khăn do Quyết định 510 không có hướng dẫn cụ thể. Thực tiễn cũng không có công trình bệnh viện chuyên khoa tương tự đã triển khai để tham khảo, mặt khác trường hợp tính toán theo công trình tương tự khác cũng không phù hợp vì có thể thừa hoặc thiếu so với việc áp dụng suất vốn đầu tư.
Theo đó ĐB Hà đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung thêm quy định về suất vốn đầu tư đối với bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh vào Quyết định 510 để làm cơ sở xác định tổng mức vốn đầu tư xây dựng các dự án đầu tư công của ngành y tế.
Cùng với đó, ĐB Hà cũng đề nghị Bộ Y tế sớm sửa đổi Thông tư 08 để hướng dẫn cụ thể việc xác định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trang thiết bị y tế chuyên dùng làm cơ sở lập hồ sơ, đề xuất chủ trương, triển khai mua sắm tại các dự án đầu tư xây dựng mới các bệnh viện.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ quan tâm tới quy định chuyển tiếp liên quan đến đầu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế từ Thông tư 14 sang thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Từ đó, đảm bảo việc thực hiện đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế không bị chậm trễ, không phải chờ các văn bản hướng dẫn, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả giải ngân đầu tư công. Về lâu dài, cần ban hành các văn bản có tính căn cơ để giải quyết vấn đề mua sắm trang thiết bị y tế.
Giải trình trước Quốc hội về vấn đề tiêm chủng mở rộng sáng ngày 1-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay từ ngày 5-8, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định để bổ sung dự toán ngân sách năm 2023 cho chương trình này. Bộ Y tế đã tổ chức mua sắm theo đúng quy định của pháp luật, 10 loại vắc xin sản xuất trong nước đã được đặt hàng.
"Hiện Bộ Tài chính đang tích cực phối hợp cùng với Bộ Y tế để thẩm duyệt, phê duyệt giá và sẽ dự kiến hoàn thành trong tháng 11-2023” - Bộ trưởng Y tế nói.
Đối với vắc xin 5 trong 1 phải nhập khẩu, bà Lan cho biết đã thực hiện xong quy trình đấu thầu và cũng đang chờ kết quả để triển khai thực hiện trong tháng 11-2023.
Cùng với đó, Bộ Y tế đã vận động các nhà tài trợ trong nước và Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc hỗ trợ gần 300.000 liều vắc xin 5 trong 1 cho 63 địa phương để thực hiện tiêm chủng và hiện nay đang tích cực phối hợp với các tổ chức để bổ sung nguồn vắc xin này.