Chuyên gia khuyên tiêm vắc xin đúng và đủ để phòng bệnh truyền nhiễm

(PLO)-Vắc xin là một thành tựu của y học và nhờ vắc xin đã kiểm soát được rất nhiều các bệnh truyền nhiễm, dịch COVID-19.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-6, Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC tổ chức tọa đàm “Tiêm vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm đầy đủ cho trẻ em và người lớn” và phát động cuộc thi viết “Tiêm ngừa – Chuyện chưa kể”.

Tiêm vắc xin phải đúng và đủ

Tại buổi tọa đàm, kình ngư Nguyễn Thị Sari chia sẻ cô sinh ra tại một vùng quê nghèo Long An, khi còn nhỏ gia đình chưa tiêm vắc xin cho cô. Do đó, khi biến cố ập đến, cô bị sốt bại liệt và để lại di chứng suốt đời.

Đến nay cô đã có con gái 8 tuổi và để con không thiệt thòi như mẹ, kình ngư Nguyễn Thị Sari luôn chủ động tiêm vắc xin đầy đủ cho con như vắc xin bại liệt, uốn ván, ho gà…

Chị Nguyễn Thị Sari và anh Lê Văn Công chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: VT

Chị Nguyễn Thị Sari và anh Lê Văn Công chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: VT

Còn anh Lê Văn Công, vận động viên cử tạ dành cho người khuyết tật, chia sẻ trong quá trình mang thai anh, mẹ đã không may mắc bệnh sốt xuất huyết và đã để lại di chứng khiến trên đôi chân suốt cuộc đời.

Nhận thấy được tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh, đến nay khi đã có hai con, anh luôn cố gắng cho con được đi tiêm chủng đầy đủ. Ngoài các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, anh còn cho con tiêm thêm các mũi vắc xin dịch vụ khác.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, diễn viên Ngọc Lan cho biết cô là người “cuồng” vắc xin và đến nay cô đã tiêm đủ 4 mũi vắc xin phòng COVID-19.

“Nếu để con thiếu vắc xin từ trong bụng mẹ thì rất thiệt thòi cho con do đó, khi chuẩn bị làm mẹ, tôi tìm hiểu kỹ về vắc xin, tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin. Khi tiêm vắc xin cho con tôi cũng để ý và tiêm đầy đủ, đúng ngày để đạt hiệu quả” diễn viên Ngọc Lan chia sẻ.

Nhờ vắc xin, nhiều bệnh nặng thành nhẹ hoặc triệt tiêu

Tại buổi tọa đàm, PGS.TS.BS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh vắc xin là một thành tựu của y học và nhờ vắc xin chúng ta đã kiểm soát được rất nhiều các bệnh truyền nhiễm, dịch COVID-19…

PGS.TS.BS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh tầm quan trọng của vắc xin và tiêm phòng vắc xin. Ảnh: VT

PGS.TS.BS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh tầm quan trọng của vắc xin và tiêm phòng vắc xin. Ảnh: VT

“Nhờ có vắc xin, chúng ta đã thanh toán được đậu mùa từ 1980, giờ đây không còn bất kỳ một trường hợp đậu mùa nào trên thế giới. Bệnh bại liệt cũng loại trừ được vào năm 2000 trên phạm vi cả nước. Rất nhiều bệnh mà nhờ vắc xin và Chương trình tiêm chủng mở rộng đã giảm đi từ hàng trăm đến hàng nghìn lần so với trước đây”- Ông Phu nói.

Bên cạnh đó, nhờ vắc xin, nhiều bệnh nặng thành nhẹ hoặc triệt tiêu luôn. Chẳng hạn, trước đây mỗi sáng đến khoa đều có bệnh nhân đến khám về bạch hầu, nhưng hiện mỗi năm chỉ có một vài ca. Sởi là bệnh mà chỉ có thế hệ sau này tiêm vắc xin thì mới không mắc. Với sởi khi đã tiêm thì miễn dịch rất bền vững.

Hiện nay Việt Nam có gần 30 loại vắc xin lưu hành và thành tựu của vắc xin liên tục tăng lên. Tuy nhiên, vấn đề cần đáng quan tâm là việc tiêm chủng mở rộng phòng bệnh hiểm nghèo miễn phí nhưng không được phủ khắp.

Bên cạnh đó, PGĐ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM Lê Hồng Nga nhấn mạnh cần lan tỏa việc tiêm vắc xin đến toàn dân và truyền tải đầy đủ, đúng bản chất của vắc xin.

“Hiện nay vắc xin HPV được đăng ký với tên là vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung, nhưng trên thực tế vắc xin này không chỉ phòng ngừa ung thư cổ tử cung mà còn nhiều bệnh lý truyền nhiễm khác về đường sinh dục cho nam giới.

Chính vì vậy, việc truyền thông, truyền tải đúng bản chất của vắc xin, triển khai đúng đối tượng bằng ngôn ngữ dễ hiểu, gần gũi cho tất cả mọi người trong xã hội rất quan trọng và cần thiết”- bà Nga nói.

Ngoài ra, theo bà Nga, để đưa vắc xin đến với toàn dân trước mắt cần xây dựng niềm tin cho người dân đối với các cơ sở tiêm chủng. Hướng dẫn người dân cần chuẩn bị những gì trước và sau khi tiêm…

Phát động cuộc thi viết "Tiêm chủng – Chuyện chưa kể"

Bài dự thi, độc giả gửi về địa chỉ: tiemngua@plo.vn hoặc vào chuyên trang của cuộc thi điền thông tin và tải file chứa bài dự thi theo yêu cầu.

Nội dung bài viết chia sẻ những kỷ niệm và trải nghiệm cá nhân liên quan đến tiêm chủng một cách chân thực và ý nghĩa; có tầm ảnh hưởng, lan tỏa thông điệp tích cực về tầm quan trọng của tiêm chủng đối với sức khỏe cộng đồng; cách viết bài sáng tạo, hấp dẫn và truyền cảm hứng.

Tác phẩm dự thi có kèm hình ảnh, video clip và được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội sau khi đăng báo là các yếu tố để được xem xét cộng điểm. Thời gian nhận bài viết từ ngày 10-6 đến 30-7-2023.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm