Giám đốc thẩm “ngâm” án, dân biết kêu ai?

Trước đây, vợ chồng ông Nguyễn Thái Thú khởi kiện vợ chồng ông Lê Văn Tâm ra TAND thị xã Phước Long (Bình Phước) để tranh chấp hợp đồng vay tài sản. Ngày 30-12-2009, TAND thị xã Phước Long đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa hai bên. Nội dung của thỏa thuận là vợ chồng ông Tâm có trách nhiệm trả 436 triệu đồng cho vợ chồng ông Thú. Hình thức trả là trả một lần ngay sau khi vợ chồng ông Tâm bán tài sản thế chấp (nhà đất) tại thị xã Phước Long.

Thời hạn bốn tháng, để hơn một năm

Sau khi quyết định thỏa thuận này có hiệu lực thì bị khiếu nại vì TAND thị xã Phước Long không đưa các con của vợ chồng ông Tâm tham gia tố tụng.

Xem xét vụ án, chánh án TAND tỉnh Bình Phước nhận thấy việc TAND thị xã Phước Long không đưa các con ông Tâm vào tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng. Cạnh đó, tài sản thế chấp của vợ chồng ông Tâm không đúng quy định bởi từ tháng 9-2009 tài sản này đã bị cơ quan thi hành án kê biên để đảm bảo thi hành án trong một số vụ khác. Vì vậy, đầu tháng 12-2012, chánh án tỉnh đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy quyết định công nhận thỏa thuận trên, giao hồ sơ về cho TAND thị xã Phước Long giải quyết lại.

Theo Điều 293 BLTTDS, trong thời hạn bốn tháng kể từ ngày nhận được kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải mở phiên họp để giám đốc thẩm vụ án (ở đây là Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh Bình Phước). Tuy nhiên, từ đó đến nay đã hơn một năm trôi qua mà ông Thú vẫn không hề nhận được kết quả giám đốc thẩm và cũng không biết được thông tin gì về vụ án của mình. Nhiều lần lui tới tòa hỏi thăm, ông Thú vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Ba năm “lơ” quyết định kháng nghị

Tương tự là trường hợp của ông Lê Phương Trang (ngụ TP Cao Lãnh, Đồng Tháp). Mới đây, ông Trang đã gửi đơn đến Cục Điều tra VKSND Tối cao đề nghị xem xét trách nhiệm của lãnh đạo TAND tỉnh Đồng Tháp vì gần ba năm nay không xét xử giám đốc thẩm một vụ tranh chấp mà ông là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Theo hồ sơ, tháng 12-2010, ông Nguyễn Huy Hoàng khởi kiện ra TAND TP Cao Lãnh đòi bà Nguyễn Thị Huệ Trân trả nợ 600 triệu đồng. Ông Hoàng yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, phong tỏa một mảnh đất tại phường Phú Mỹ mà bà Trân đã bán cho ông Trang. Về phần mình, ông Trang đòi tòa hủy quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vì việc mua bán đã xong trước khi ông Hoàng khởi kiện bà Trân, đất này thuộc quyền sử dụng của ông.

Tháng 4-2011, TAND TP Cao Lãnh xử sơ thẩm đã tuyên chấp nhận yêu cầu của ông Hoàng, buộc bà Trân trả 600 triệu đồng, tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để đảm bảo thi hành án. Bản án sau đó có hiệu lực pháp luật.

Tháng 9-2011, viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Tháp kháng nghị giám đốc thẩm vì đất đã thuộc quyền sử dụng của ông Trang, việc tòa tuyên tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là sai. Kháng nghị đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm liên quan đến nội dung này.

Từ đó đến nay ông Trang nhiều lần yêu cầu Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh Đồng Tháp xử giám đốc thẩm nhưng vẫn không nhận được hồi âm. Sau nhiều lần ông khiếu nại, TAND Tối cao cũng đã có công văn đôn đốc TAND tỉnh Đồng Tháp nhưng đến nay ủy ban thẩm phán của tòa này vẫn chưa mở phiên họp giám đốc thẩm.

Cần có chế tài

Theo các luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre), Trần Hải Đức và Phạm Minh Tâm (Đoàn Luật sư TP.HCM), đã đến lúc cần phải có quy định chế tài những người có thẩm quyền khi không đưa án ra họp giám đốc thẩm đúng thời hạn luật định. Có chế tài cụ thể thì cán bộ có trách nhiệm mới chịu làm.

Còn theo luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM), trong các phiên họp giám đốc thẩm thường không có sự tham gia của đương sự nên đương sự không thể biết thông tin là phiên họp có được mở hay không, mở khi nào, có đúng thời hạn hay không. Cạnh đó, BLTTDS không quy định về thẩm quyền, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với bộ phận có thẩm quyền họp giám đốc thẩm như ủy ban thẩm phán của TAND cấp tỉnh nên đương sự không biết khiếu nại ai và ai sẽ giải quyết.

Luật sư Phượng hướng dẫn rằng dù pháp luật chưa quy định nhưng nếu sau đúng bốn tháng kể từ ngày nhận được quyết định kháng nghị giám đốc thẩm mà không có thông tin về kết quả phiên họp giám đốc thẩm thì đương sự vẫn nên gửi đơn khiếu nại đến chánh án TAND cấp tỉnh. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại hoặc không được giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày gửi đơn khiếu nại thì đương sự nên gửi đơn khiếu nại đến chánh án TAND Tối cao.

Luật sư Phượng cũng kiến nghị BLTTDS cần phải bổ sung quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động của ủy ban thẩm phán, hội đồng thẩm phán để hoạt động tư pháp chặt chẽ, đúng luật và gắn với trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể.

HOÀNG YẾN

15 năm chờ kết quả giám đốc thẩm

Mới đây, chị Lê Thị Thanh (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) - nguyên đơn trong một vụ ly hôn do TAND tỉnh Bến Tre giải quyết phúc thẩm vào tháng 4-1996 đã có đơn gửi TAND Tối cao, VKSND Tối cao để hỏi về kết quả giải quyết vụ án của chị sau khi có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm từ... 15 năm trước.

Cụ thể, hai năm sau phiên xử phúc thẩm vụ ly hôn của chị, tháng 8-1998, VKSND Tối cao đã có quyết định kháng nghị phần chia tài sản, đề nghị cấp giám đốc hủy phần này, giao về cho TAND tỉnh Bến Tre xét xử lại và tạm đình chỉ thi hành án để chờ kết quả giám đốc thẩm. Và cho đến hôm nay chị Thanh vẫn chưa hề nhận kết quả giám đốc thẩm vụ án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới