Giám đốc Uber nói gì về đề án trình Bộ GTVT?

Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Uber Việt Nam, trao đổi với Pháp luật TP.HCM về đề án mà Uber trình Bộ GTVT.

+ PV: Uber đã đề xuất cụ thể những gì với Bộ GTVT, thưa ông?

. Ông Đặng Việt Dũng: Chúng tôi đã đề xuất đến Bộ GTVT một chương trình thí điểm với nội dung gồm hai cấu phần chính song song: Một là thí điểm rộng hơn cho dịch vụ kết nối vận tải để lấy thực tiễn; hai là vận dụng thực tiễn tại Việt Nam và các nước trên thế giới để cùng với Bộ GTVT xây dựng khung pháp lý phù hợp cho dịch vụ mới này. Phần thứ hai này mới chính là cái mà Uber muốn làm trên toàn cầu.

Kinh nghiệm của chúng tôi trên các nước cho thấy cả hai cấu phần này là cần thiết để các cơ quan lập pháp có được cái nhìn thực tiễn và toàn diện nhất để xây dựng khung pháp lý phù hợp.

+ PV: Vì sao Uber muốn thí điểm chương trình này?

. Ông Đặng Việt Dũng: Từ lúc hoạt động đến nay, Uber chú trọng vào việc hỗ trợ nhiều hơn cho người tiêu dùng, cho xã hội và cho đối tác của mình. Uber vẫn tiếp tục đi theo hướng đó. Đến nay, Uber cũng đã nhận ra tầm ảnh hưởng của mình, không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn đến cả hệ sinh thái. Vì vậy Uber trên toàn cầu đi theo hướng muốn được quản lý, có khung pháp lý phù hợp tại từng nước. Nên chúng tôi đã ra sức làm việc với chính phủ tại các nước chúng tôi có mặt để có thể song hành cùng phát triển xây dựng khung pháp lý.

+ PV: Xin ông cho biết rõ hơn lý do Bộ GTVT trả lại đề án thí điểm? Uber cần làm gì để được chấp thuận thí điểm?

. Ông Đặng Việt Dũng: Sau khi nhận được và xem xét đề xuất của chúng tôi, Bộ GTVT đã có những phản hồi tích cực và hướng dẫn chỉnh sửa để giúp thực hiện tốt hơn mục tiêu chung đem lại lợi ích cho người dân.

Chúng tôi đã có những chia sẻ cùng Bộ và được biết khung pháp lý về GTVT hiện tại chưa có hình thức kết nối vận tải mà chỉ có dịch vụ hỗ trợ vận tải. Đồng thời, đơn vị thí điểm cần là pháp nhân trực tiếp cung cấp dịch vụ nằm trong thẩm quyền quản lý của Bộ. Cụ thể như sau:

Thứ nhất là liên quan đến thẩm quyền của Bộ GTVT. Theo đề án thí điểm thì Uber sẽ làm dịch vụ kết nối vận tải thông qua ứng dụng công nghệ nhưng hiện tại ở Việt Nam chưa có khung pháp lý cho loại hình này.

Thứ hai, Uber bản chất là dịch vụ công nghệ để kết nối người đi xe và chủ xe, không phải là dịch vụ vận tải, cũng không phải là dịch vụ hỗ trợ vận tải như khung pháp lý đang quy định. Tuy nhiên, để duyệt được đề án thí điểm thì phải có một cơ sở pháp lý rõ ràng. Vì vậy, đơn vị này sẽ quyết định đổi thành dịch vụ “hỗ trợ vận tải”.

Dù Bộ GTVT không đưa ra thời hạn yêu cầu Uber phải chỉnh sửa, hoàn thành đề án trong bao lâu để thẩm định nhưng hiện Uber Việt Nam đang đẩy mạnh hoàn thiện đề án theo hướng đổi thành dịch vụ hỗ trợ vận tải thay vì công nghệ kết nối như hiện nay.

 Ông Đặng Việt Dũng. Ảnh: Quỳnh Như 

+ PV: Việc chấp thuận thí điểm hay không thì phụ thuộc vào Bộ GTVT. Uber cảm thấy trở ngại nào lớn nhất? Ví dụ như việc các hiệp hội taxi phản ứng và yêu cầu Bộ siết chặt hoạt động vận tải chẳng hạn.

. Ông Đặng Việt Dũng: Vấn đề lớn nhất là liệu người tiêu dùng có quay lưng với mình hay không. Các hãng taxi cũng là các đơn vị kinh doanh. Khi tham gia thị trường thì cũng phải vận hành mang lợi ích cho thị trường chứ khách hàng không mua hàng của mình nữa thì mình làm sao bán! Đấy mới là “giấy phép” chính để tồn tại.

Các hãng cũng có những hoạt động cải thiện dịch cụ như chấn chỉnh đội xe, tài xế, xây dựng phần mềm quản lý vận tải hiệu quả hơn. Họ cũng đang bắt kịp những thay đổi trong cạnh tranh.

+PV: Nếu như hãng taxi nào cũng dùng công nghệ kết nối vận tải như Uber thì liệu Uber có còn thế mạnh về công nghệ?

. Ông Đặng Việt Dũng: Làm phần mềm kết nối vận tải thì không khó, chỉ cần 1-2 tỉ đồng là viết xong thôi. Cái quan trọng là có vận hành được nó hiệu quả và linh hoạt hay không vì khối lượng giao dịch rất lớn, để xử lý, vận hành cần một đội ngũ rất lớn chứ không phải đội ngũ viết phần mềm kết nối ban đầu mà xong. 

Ví dụ, cứ ba ngày một lần, Uber đòi hỏi phải đề ra một cập nhật mới, một tính năng mới, luôn cập nhật các công nghệ mới. Không phải viết ra một ứng dụng rồi cứ dùng nó như thế mãi.

+ Xin cảm ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới