Ngày 12-7, trong khuôn khổ buổi giao lưu trực tuyến “Điều chỉnh giá dịch vụ y tế, người dân hưởng lợi” do báo Sài Gòn Giải Phóng điện tử tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia về việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM theo Thông tư 15/2018/TT-BYT có hiệu lực vào ngày 15-7, nhiều người dân lo ngại giá dịch vụ giảm có lợi cho người dân nhưng gây thất thu cho bệnh viện (BV). Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng bày tỏ BV giảm thu tương ứng với việc sẽ cắt giảm nguồn thu nhập của đội ngũ bác sĩ khiến người tài “dứt áo ra đi”, người bệnh sẽ thiệt thòi.
Người bệnh lo bị bệnh viện “móc túi”
Từ ngày 15-7, Thông tư 15/2018/TT-BYT về việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế có hiệu lực tại tất cả BV cùng hạng theo hướng giảm nhằm cân đối quỹ BHYT và đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh (KCB).
Cụ thể, giảm giá 70 dịch vụ, điều chỉnh tăng chín dịch vụ; bổ sung giá của chín dịch vụ kỹ thuật (người bệnh sử dụng các dịch vụ này sẽ được BHXH thanh toán); điều chỉnh 12 dịch vụ (chủ yếu là các dịch vụ chụp CT, nội soi)...
“Người bệnh bây giờ đi khám bệnh phải thông thái vì bị BV “móc túi” lúc nào không hay. Hiện nay, có những quy định nào để hạn chế việc chỉ định xét nghiệm không cần thiết nhằm “móc túi” người dân?” - một người tên Việt Dân, ngụ Chợ Gạo, Tiền Giang, đặt câu hỏi với các khách mời chuyên gia gồm bà Đinh Thị Liễu - Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính, Sở Y tế TP.HCM; bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM; BS CK2 Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM.
Ngoài ra, hiện tại người dân đi khám bệnh khá tù mù về các chi phí thuốc men, điều trị là thắc mắc của bạn Vũ Kha, ngụ Thủ Dầu Một, Bình Dương. “Làm thế nào để bệnh nhân biết được các chi phí thuốc men, vật tư trong quá trình điều trị vì giá dịch vụ có niêm yết công khai nhưng trong quá trình điều trị lại có nhiều loại thuốc, chụp chiếu, xét nghiệm… mà người bệnh không biết mình được dùng những loại kỹ thuật, dịch vụ nào” - bạn Kha hỏi.
Bạn Hoàng Thọ, giáo viên, ngụ quận Tân Bình, đặt vấn đề: “Các BV cho rằng giảm giá dịch vụ y tế sẽ làm giảm nguồn thu BV vì các loại dịch vụ như nội soi, X-quang được thực hiện nhiều. Điều này dẫn đến nguy cơ BV phải cắt giảm thu chi, trong đó có tiền lương bác sĩ. Điều này sẽ dẫn đến việc các bác sĩ giỏi sẽ bỏ đi nơi khác lương cao hơn. Như vậy người dân sẽ thiệt thòi”.
Người dân TP.HCM khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế tại bệnh viện TP. Ảnh: H.LAN
Làm mọi cách để người dân hưởng lợi
Trả lời về việc bị “móc túi” do chỉ định xét nghiệm không cần thiết, bà Đinh Thị Liễu cho biết: “Sắp tới Bộ Y tế sẽ triển khai việc liên thông xét nghiệm giữa các BV hạng I cùng mức chất lượng phòng xét nghiệm. Khi đó các BV phải sử dụng và chấp nhận kết quả xét nghiệm của nhau”.
Liên quan đến việc BV giảm nguồn thu sẽ không thu hút được người tài khiến người dân thiệt thòi, BS CK2 Diệp Bảo Tuấn nhìn nhận một số dịch vụ kỹ thuật y tế giảm có ảnh hưởng đến nguồn thu của BV trong tình hình BV phải tự chủ tài chính như hiện nay. Ngoài ra, phẫu thuật nội soi là kỹ thuật cao, cần có phẫu thuật viên được đào tạo lâu dài, trang bị các máy móc hiện đại. Thế nhưng theo Thông tư 15 thì giá viện phí cho một số phẫu thuật nội soi sẽ thấp hơn cho phẫu thuật mổ mở. Do đó BV sẽ cần triển khai các kỹ thuật cao phục vụ người bệnh.
Lãnh đạo BV Ung bướu đã có phương án điều tiết các khoản thu chi khác để bảo đảm không ảnh hưởng đến thu nhập của bác sĩ và nhân viên BV.
Ngoài ra, BV cũng ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho các bác sĩ có môi trường làm việc tốt, được tham gia học tập trong nước và ngoài nước. Vì vậy, trong những năm qua, chỉ có vài bác sĩ bỏ việc tại đây để qua BV khác làm việc.
Để tránh tình trạng bệnh nhân không rõ chi phí mình bỏ ra có minh bạch hay không, bà Đinh Thị Liễu khẳng định: “Khi đi KCB, mỗi người bệnh đều được cơ sở y tế cung cấp bảng kê chi phí KCB gồm: danh mục các dịch vụ kỹ thuật mà bệnh nhân thực hiện; đơn vị tính, số lượng, đơn giá thành tiền của dịch vụ; số tiền BHYT chi trả; số tiền người bệnh chi trả. Nếu chưa được cung cấp thì người bệnh cần yêu cầu cơ sở y tế cung cấp bảng kê và hóa đơn khi thanh toán.
Bổ sung, BS Tuấn cũng cho biết trong quá trình nằm viện tại BV Ung bướu TP, bảng công khai thuốc men, vật tư y tế mà người bệnh sử dụng sẽ được người bệnh, thân nhân ký tên mỗi ngày. Khi ra viện, tất cả dịch vụ, thuốc men, vật tư y tế mà người bệnh sử dụng trong quá trình nằm viện sẽ được công khai trong phiếu công khai viện phí (mẫu BV01 và BV02). Người bệnh hoặc thân nhân phải kiểm tra kỹ và ký xác nhận.
Nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở Hiện nay Sở Y tế TP đã có các giải pháp để nâng cao chất lượng tại tuyến y tế cơ sở như: Luân phiên bác sĩ từ BV TP xuống BV quận/huyện, bác sĩ từ BV quận/huyện xuống trạm y tế; các BV tuyến trên chuyển giao kỹ thuật cho BV tuyến dưới; xây dựng kho dữ liệu phác đồ điều trị của các BV quận/huyện và trạm y tế. Trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình Sở Y tế TP đang triển khai thí điểm 24 trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình nhằm nâng cao năng lực toàn diện, thành lập phòng khám vệ tinh, phòng khám bác sĩ gia đình tại một số trạm y tế, xây dựng cổng thông tin điện tử cho các trạm y tế. Bà ĐINH THỊ LIỄU, |