Ngày 29-6, tại buổi gặp mắt báo chí quý 2-2018, thông tin về các vấn đề bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tăng cường nhân lực cho y tế cơ sở. Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế đã thông tin về việc BYT ban hành Thông tư số 15/2018/TT/BYT thay thế Thông tư 37 về tính đủ tính đủ giá dịch vụ y tế.
Vị đại diện Bộ Y tế nhận xét Thông tư 37 dù vẫn chưa tính đúng, tính đủ chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ nhưng vẫn phải điều chỉnh vì nhiều lý do. Theo đó khi Thông tư 15 được thay thế Thông tư 37 sẽ có 88 dịch vụ kỹ thuật, y tế được điều chỉnh bổ sung, áp dụng vào 15-7 tới đây.
“Sau khi ban hành Thông tư 15, Bộ Y tế nhận được khá nhiều ý kiến trái khác nhau về lần điều chỉnh này. Do vậy, hôm nay chúng tôi sẽ làm rõ những thắc mắc được đặt ra” - ông Liêm nói.
Về ý kiến cho rằng định mức KT-KT để tính giá chưa sát với thực tế, chủ yếu được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát của các bệnh viện tuyến trên.
Bộ Y tế cho rằng các định mức KT-KT đã được khảo sát, xây dựng, thẩm định đúng quy định, phù hợp với đại đa số bệnh viện, dựa trên kết quả khảo sát thực tế tại khoảng 30 bệnh viện, tổng hợp báo cáo của bốn bệnh viện hạng đặc biệt, 56 bệnh viện hạng I, 140 bệnh viện hạng 2, hơn 250 bệnh viện hạng 3. Do vậy ý kiến số liệu chỉ căn cứ vào tuyến trung ương là chưa chính xác.
Về giá các loại vật tư, hóa chất để tính giá dịch vụ, Bộ Y tế đã căn cứ vào kết quả trúng thầu của các bệnh viện, cả trung ương và địa phương, cả kết quả trúng thầu do đấu thầu tập trung của địa phương; không lấy giá trung bình cộng của các kết quả trúng thầu để xác định trên cơ sở hai vòng: vòng thứ nhất so sánh giá trung bình với giá trúng thầu của các đơn vị, loại các giá trung thầu cao hơn, thấp hơn trên 25%, chỉ giữ lại các giá trúng thầu cao hơn hoặc thấp hơn dưới 25% để tính mức giá trung bình, làm cơ sở tính chi phí và quyết định mức giá.
“Như vậy, ý kiến nêu có sử dụng mức giá cao gấp 100 lần là không đúng (BHXH đã có công văn báo cáo Phó Thủ tướng đính chính thông tin này); các mức giá, mức cao hơn, thấp hơn như thông tin báo nêu đã được loại trừ khi tính mức giá trung bình” - ông Liêm nhấn mạnh.
Với ý kiến cho rằng cơ quan BHXH thanh toán theo thực tế sử dụng trong trường hợp cơ sở KCB thực hiện không hết định mức (tức là thanh toán theo phương thức thực thanh, thực chi).
Đại diện Bộ Y tế giải thích, việc đề nghị thanh toán này chưa phù hợp với quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn thực hiện BHYT.
Mặt khác, hiện nay các bệnh viện đang đổi mới phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT, giảm dần thanh toán theo phí dịch vụ sang thanh toán theo định suất, theo trường hợp bệnh để khuyến khích cơ sở y tế áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thực hiện các giải pháp để giảm chi phí; do đó việc thanh toán theo thực thanh, thực chi sẽ đi ngược việc đổi mới phương thức thanh toán.
“Còn đối với ý kiến cho rằng hầu hết các bệnh viện đều có cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị cũ… là chưa chính xác. Nói như vậy là phủ nhận sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, của các địa phương đối với ngành y tế” - ông Liêm trả lời.
Thực tế thời gian vừa qua, Nhà nước đã đầu tư nâng cấp trên 550 bệnh viện tuyến huyện, gần 200 bệnh viện tuyến tỉnh, các bệnh viện đã huy động vốn, vay vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng khang trang, chỉ còn một số ít bệnh viện huyện chưa được đầu tư; kết quả đánh giá sự hài lòng của người bệnh cho thấy tỉ lệ người bệnh hài lòng về cơ sở vật chất bệnh viện ngày càng tăng.