Hiện giá heo hơi trên cả nước đã giảm xuống còn 73.000-75.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thực tế giá thịt heo ngoài chợ và các siêu thị vẫn cao ngất ngưởng.
Ví dụ như tại Đồng Nai, giá thịt heo ba rọi ngày 19-2 vẫn ở mức cao với 180.000 đồng/kg; thịt heo nạc 150.000 đồng/kg; thịt heo đùi 140.000 đồng/kg.
Phóng viên PLO đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT để làm rõ về vấn đề này.
PV: Giá heo hơi đã giảm xuống còn 73.000-75.000 đồng/kg, vậy tại sao giá thịt heo ngoài chợ, các siêu thị vẫn cao như vậy, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Đúng là hiện nay đang có tình trạng heo hơi đã giảm nhưng thịt heo bán lẻ vẫn chưa giảm tương xứng. Nguyên nhân là do có độ trễ khi các công ty, cơ sở chăn nuôi đã giảm giá heo nhưng những người giết mổ nhỏ lẻ chưa tiếp cận được với giá đó. Hoặc có dấu hiệu tranh thủ đợt tăng giá trong lúc giao thời này. Tuy nhiên, cứ theo đà này thì sắp tới sẽ giảm giá cả ở heo thịt và thịt heo.
Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT. Ảnh: AH
PV: Trước đó, bộ trưởng Bộ NN&PTNT có yêu cầu doanh nghiệp (DN) giảm giá heo, nếu không giảm sẽ xem lại các ưu đãi dành cho DN. Vậy những ưu đãi mà DN được hưởng là gì vậy, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Cái đó chúng ta không gọi là cắt ưu đãi, mà đây là trách nhiệm chung của xã hội phải bảo vệ ngành hàng thịt heo, ngành hàng mà chúng ta đã mất nhiều năm và công sức mới thiết lập được, có sự cân bằng giữa sản xuất và thị trường. Nếu các DN không giảm xuống thì những nguy cơ, rủi ro sẽ ảnh hưởng ngay đến ngành hàng thịt heo, ảnh hưởng ngay đến những người sản xuất.
PV: Có tình trạng DN lớn bắt tay nhau quyết định giá heo không, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Không hoàn toàn như vậy vì vấn đề yêu cầu giảm giá chúng ta đã nói cách đây một thời gian, nhưng họ cứ giảm nhỏ giọt.
Vừa rồi, nếu các DN không giảm thì phải bảo vệ được tại sao không giảm. Khi đó, các cơ quan quản lý của Nhà nước, ví dụ như Bộ Công Thương, cũng đi kiểm tra xem có tình trạng đầu cơ, găm hàng không; hay như Bộ Tài chính cũng đi kiểm tra vấn đề hạch toán giá thành có đúng như vậy hay không. Nếu giá thành ở mức này mà anh bán giá cao hơn thì những vấn đề về nộp thuế, nghĩa vụ khác có phù hợp hay không?
PV: Tại sao lại yêu cầu giảm xuống mức 75.000 đồng/kg heo hơi mà không phải con số khác?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Vấn đề giảm giá heo phải có lộ trình. Lộ trình của nó đang ở mức 80.000-85.000 đồng/kg heo hơi thì trước mắt phải giảm xuống ở mức 75.000 đồng/kg. Còn nếu như từ 80.000 đồng/kg mà chỉ giảm một giá còn 79.000 đồng/kg thì không làm thay đổi cục diện của thị trường. Phải giảm nữa mới tạo ra sự thay đổi của vấn đề này. Mục tiêu của chúng ta là phải đưa giá heo xuống mức 60.000-70.000 đồng/kg.
Bộ hoàn toàn biết giá thành sản phẩm của DN đang ở mức bao nhiêu.
Thực ra Bộ khuyến cáo, cảnh báo và vận động, chứ chúng tôi không thể dùng các biện pháp hành chính là phạt hay gì đó. Bộ đồng hành cùng DN, Chính phủ đồng hành cùng với DN và ngược lại, DN cũng phải đồng hành với Chính phủ, với Bộ để chúng ta bảo vệ ngành hàng cần thiết như ngành hàng thịt heo.
PV: Giá thịt heo bắt đầu tăng quý IV-2019 đến nay, vậy đợt tăng giá này cơ sở chăn nuôi, DN có lợi nhuận sau thiệt hại từ dịch tả heo châu Phi chưa, thưa ông?
Giá heo hơi đã giảm nhưng giá thịt mảnh vẫn chưa giảm. Ảnh minh họa: TÚ UYÊN
Ông Nguyễn Xuân Dương: Thực ra ở những DN quản lý tốt, quản lý căn bản, làm tốt từ A-Z thì có thể người ta đã cân đối được phần lỗ, thiệt hại.
Trong nhiều năm, DN và các cơ sở chăn nuôi chịu ảnh hưởng nặng nề. Như năm 2017, giá heo trong tình trạng bão giá, giá tụt thê thảm. Năm 2018, chịu ảnh hưởng của dịch lở mồm long móng. Năm 2019 thì chịu ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi từ tháng 1-2019 đến tháng 10-2019, gần như lúc nào cũng bán dưới giá thành.
Từ tháng 11-2019 đến nay, giá mới tăng lên. Do đó, ở những DN quản lý tốt, có đầu ra, đầu vào, có con giống, có cơ sở sản xuất thức ăn, có trang trại... thì có thể họ đã giải quyết được vấn đề thua lỗ và có lãi. Nhưng cũng nhiều cơ sở chưa đạt được như vậy. Vì họ chưa tự làm được và làm tốt tất cả mọi khâu.
Chúng ta phải thừa nhận cần có lộ trình giảm giá để không gây sốc thị trường, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng. Chứ không thể đang ở mức giá 80.000 đồng/kg mà giảm luôn xuống 60.000 đồng/kg. Không ai làm được, không một DN nào làm được vì chưa có DN nào độc quyền điều tiết giá thị trường.
Đến cuối năm 2020, nếu tình hình dịch bệnh không phức tạp nữa thì giá heo sẽ trở về mặt bằng của ngành sản xuất chăn nuôi heo, đạt cả quy mô đầu con, đạt quy mô giá cả như năm 2018 thì đó là thành công của ngành chăn nuôi heo.
PV: Hiện tình hình dịch tả heo châu Phi được kiểm soát thế nào rồi, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Hiện hơn 90% các xã có dịch đã qua 30 ngày không phát sinh dịch trở lại. Dịch tả heo châu Phi đang được chúng ta kiểm soát tốt. Tuy nhiên, chưa phải hết dịch hoàn toàn.
Ngoài dịch tả heo châu Phi thì cúm gia cầm H5N6 đang xuất hiện ở 5 tỉnh, thành phố, cũng là khó khăn của chúng ta. Có thể thấy áp lực của ngành chăn nuôi trong thời gian này và sắp tới là dịch bệnh và hội nhập. Không còn cách nào khác, chúng ta phải xác định đây vừa là thách thức nhưng cũng là thời cơ để phát triển ngành chăn nuôi.
. Xin cảm ơn ông.
PV: Hiện với tình hình thị trường thịt heo như vậy thì chúng ta có đủ sức cạnh tranh với DN nước ngoài khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực không, thưa ông? Ông Nguyễn Xuân Dương: Chúng ta phải tự hoàn thiện mình thôi. Bởi vì EVFTA cũng có lộ trình giảm thuế, chứ không phải thuế suất giảm về 0% ngay lập tức. Ngành chăn nuôi, các DN chăn nuôi trong nước vẫn có thời gian để tự tổ chức lại ngành chăn nuôi, nâng cao năng suất, hạ giá thành, kiểm soát tốt chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chăn nuôi của chúng ta. Chúng ta không được nhởn nhơ, chủ quan. Vì việc giảm thuế có lộ trình nhưng giá thành của họ rất tốt, như vậy các sản phẩm chăn nuôi của các nước này vẫn có thể thâm nhập, là đối trọng khá mạnh đối với các DN chăn nuôi trong nước của chúng ta. |